Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát chất lượng hàng trên sàn thương mại điện tử

Tuệ Diễm| 08/07/2019 14:56

(HNM) - Hàng loạt sàn thương mại điện tử ra đời tạo điều kiện cho người dân mua bán hàng trực tuyến (online) thuận tiện. Tuy nhiên, hàng giả, hàng nhái vẫn đang được tiêu thụ thông qua các sàn thương mại điện tử. Để khắc phục tình trạng này, các sàn thương mại điện tử đã tăng cường phối hợp với nhà cung cấp hàng và cơ quan chức năng nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty TNHH Văn hóa sáng tạo First News - Trí Việt đã tổ chức họp báo công bố vi bằng tố cáo các sàn thương mại điện tử có gian hàng bán sách giả. Trước đó, công ty này đã đặt 128 đơn hàng mua sách ngẫu nhiên từ tất cả sàn, công ty thương mại điện tử bán sách online (trực tuyến). Kết quả, tất cả các đơn hàng đều là sách in lậu và sách giả.

Ông Nguyễn Văn Phước bày tỏ: “Trên mạng có 1.000 trang bán sách online qua Facebook, sàn thương mại điện tử, công ty chúng tôi không đủ nhân lực để kiểm tra tất cả. Do đó, tôi phải chọn cách công bố lên báo chí để các sàn thương mại có trách nhiệm quản lý gian hàng trên mạng”.

Trên thực tế, việc phân biệt hàng thật, hàng giả đối với người tiêu dùng ngày càng khó khăn. Hiện mỗi sàn giao dịch thương mại điện tử có trên 5.000 thương hiệu và hàng nghìn đối tác kinh doanh đa dạng các mặt hàng. Theo nguyên tắc hoạt động thì các sàn giao dịch thương mại điện tử chủ yếu cho thuê “gian hàng” online. Do đó, sản phẩm không về kho chứa của bất kỳ sàn giao dịch nào nên không phát hiện được hàng giả, hàng nhái.

Về phía doanh nghiệp, bà Vũ Thị Nhật Linh, Giám đốc sàn giao dịch Tiki thừa nhận: “Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ nhận phản hồi khiếu nại hàng giả, hàng nhái của Tiki là 0,02%. Để giảm thiểu rủi ro bán hàng giả, hàng nhái, Tiki sẽ tăng cường kiểm soát, mỗi nhà bán hàng phải có hồ sơ, chứng từ chứng minh nguồn gốc để bán cho khách hàng. Các đơn vị như Shopee, Lazada, Sendo cũng đang rà soát yêu cầu người bán cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh sản phẩm đăng bán là hợp lệ. Nếu người bán không cung cấp được tài liệu theo yêu cầu sẽ tiến hành đóng cửa hàng online trên sàn.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: “Quy định về hoạt động thương mại điện tử đã nêu trách nhiệm cả sàn thương mại điện tử trong việc để xảy ra bán hàng lậu, hàng giả. Theo đó, tùy mức độ sàn phải có biện pháp gỡ bỏ, khóa tài khoản đối với các gian hàng sai phạm”.

Ông Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trường hợp như phản ánh của First News có thể xử lý các sàn theo Điều 226 - Bộ luật Hình sự về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu). Để chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng nhái, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã yêu cầu 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam (gồm Adayroi, Lazada, Tiki, Sendo, Shopee) cam kết nói không với hàng giả trong thương mại điện tử. Các sàn thương mại điện tử sẽ gắn logo “Nói không với hàng giả” trên website, công bố số đường dây nóng của sàn để tiếp cận xử lý thông tin khiếu nại về hàng giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chất lượng hàng trên sàn thương mại điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.