Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu rau, quả: Cần “cú hích” để bứt phá

Đỗ Minh| 15/07/2019 07:35

(HNM) - Kim ngạch xuất khẩu rau, quả từ đầu năm đến nay đạt hơn 2,06 tỷ USD - đây là kết quả ngoài mong đợi khi quý I xuất khẩu mặt hàng này tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2018. Được đánh giá là mũi nhọn chiến lược, đóng góp lớn vào xuất khẩu toàn ngành Nông nghiệp, mặc dù có nhiều cơ hội mới mở ra từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, nhưng ngành hàng rau, quả vẫn cần "cú hích" nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Sơ chế, bảo quản vải thiều xuất khẩu tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Mỹ Hà

Bứt phá sau thời gian trầm lắng

Nếu như quý I, xuất khẩu rau, quả khá trầm lắng thì trong quý II, các doanh nghiệp xuất khẩu ngành hàng này tất bật, đón nhận nhiều đơn hàng mới… Tháng 4 vừa qua, lô xoài đầu tiên gồm 8 tấn do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) đã xuất khẩu thành công sang Mỹ.

Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Nguyễn Thị Hồng Thu cho biết, để xuất khẩu được xoài sang thị trường Mỹ, trái xoài cần đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật… Thành công này mở ra hướng đi nhiều hy vọng cho trái xoài tại các thị trường lớn trong những tháng tiếp theo.

Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (thành phố Hồ Chí Minh) Trương Thị Thanh Thảo chia sẻ: Trong tháng 5 vừa qua, công ty xuất khẩu thành công hơn 3 tấn quả vải của tỉnh Hải Dương sang thị trường Australia, một số nước châu Âu và Trung Đông.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương Nguyễn Văn Phú, vụ vải thiều vừa qua, hơn 50% sản lượng vải được xuất khẩu đi các nước: Mỹ, Hàn Quốc, Australia... Hay như chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) Lường Trung Hiếu, vụ xoài năm nay, Yên Châu xuất khẩu 3 tấn đi Mỹ, 3 tấn đi Australia và 7 tấn đi Anh. Trước đó, 1.000 tấn xoài của huyện cũng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc…

Đánh giá tình hình xuất khẩu rau, quả từ đầu năm đến nay, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết: "Nếu như quý I, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành hàng này giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2018 thì bước sang quý II đã sôi động và có sự bứt phá, nâng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này 6 tháng đầu năm đạt 2,06 tỷ USD".

Trong đó, mặt hàng trái cây đạt 1,6 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái... Kim ngạch xuất khẩu rau, quả những tháng tiếp theo dự báo sẽ tăng, bởi có sự tác động tích cực từ “làn gió mới” của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU mang lại.

Cơ hội mới, "cú hích" mới

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nafoods Group Nguyễn Mạnh Hùng, sự bứt phá trong những tháng qua của mặt hàng rau, quả chính là nhờ sự nhạy bén với thị trường của doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm nâng lên đáng kể.

“Nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt giúp xuất khẩu rau, quả liên tục tăng trưởng. Đây cũng là yêu cầu của các thị trường lớn, khó tính như châu Âu khi Việt Nam tham gia EVFTA” - ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Những cơ hội mới mở ra mang lại nhiều thuận lợi nhưng xuất khẩu rau, quả vẫn cần có thêm những "cú hích" mới. Lý do, như Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường chỉ rõ, quy mô sản xuất rau, quả trong nước vẫn nhỏ lẻ, nhiều vườn tạp, diện tích chuyên canh tập trung chiếm chưa tới 20% tổng diện tích trồng cây ăn quả cả nước.

Tỷ lệ sản xuất rau ứng dụng tiến bộ khoa học còn hạn chế. Kim ngạch xuất khẩu rau, quả thô đang chiếm hơn 93% tổng kim ngạch xuất khẩu, mặt hàng qua chế biến chỉ chiếm khoảng 6,6%. Nguyên nhân của những hạn chế trên là nông dân, doanh nghiệp chưa quan tâm đến công nghệ bảo quản, chế biến, mở rộng quy mô sản xuất…

Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, ngành hàng rau, quả cần tập trung nâng cao chất lượng hơn nữa, mở rộng diện tích trồng rau, quả theo hướng VietGAP, GlobalGAP... Đặc biệt, cần tập trung vào khâu sơ chế, chế biến. Đây được coi là yếu tố then chốt bởi mới đây, EVFTA được ký kết sẽ giúp ngành hàng này có nhiều cơ hội bứt phá. 

Để hình thành vùng rau, quả chất lượng, xây dựng thương hiệu phục vụ xuất khẩu, theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung, đến nay, Cục đã cấp được gần 6.000 mã số vùng trồng đối với thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải.

Bên cạnh đó, Cục đang phối hợp với các địa phương cấp thêm mã số cho những vùng nguyên liệu trái cây và trồng rau phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, để đẩy mạnh khâu chế biến, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng 7 nhà máy chế biến với quy mô vùng và khu vực.

Việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu trên chính là cách tạo ra "cú hích" cho lĩnh vực xuất khẩu rau, quả bứt phá, phát triển một cách bền vững.

“Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương phân tích và đưa ra nhận định cụ thể về các thị trường, từ đó giúp người sản xuất và doanh nghiệp có định hướng trong sản xuất, xây dựng chiến lược kinh doanh, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Bộ NN&PTNT sẽ cùng các địa phương, doanh nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo bứt phá cho ngành hàng này. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu rau, quả năm 2019 có thể đạt 4,5 tỷ USD (mục tiêu đề ra đầu năm 2019 là 4,2 tỷ USD) và trở thành một trong 3 loại nông sản xuất khẩu chủ lực sau đồ gỗ và thủy sản” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu rau, quả: Cần “cú hích” để bứt phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.