Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản xuất, kinh doanh rượu: Siết quản lý, tăng kiểm tra

Thanh Hiền| 16/08/2019 06:20

(HNM) - Đã gần 2 năm kể từ khi Nghị định 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu có hiệu lực thi hành (ngày 1-11-2017), đến nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu thủ công vẫn tràn lan, khó kiểm soát. Trước tình trạng này, các ngành chức năng của thành phố Hà Nội đã, đang siết chặt công tác quản lý, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn.

Việc chưa có quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm rượu thủ công khiến lực lượng chức năng thiếu cơ sở để xử lý vi phạm. Ảnh: Gia Tiệp

Vẫn khó kiểm soát

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tính đến tháng 7-2019, trên địa bàn thành phố có 22 doanh nghiệp đã được Sở cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp quy mô dưới 3 triệu lít/năm; 29 cơ sở được cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công, với tổng công suất khoảng 50.000 lít/năm.

Ngoài ra, theo ông Trịnh Quang Đức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, nếu tính cả cơ sở sản xuất rượu thủ công, trên địa bàn thành phố có gần 7.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Qua kiểm tra thực tế, phần lớn các hộ sản xuất rượu thủ công có quy mô nhỏ, một số hộ nấu rượu kết hợp với sử dụng phụ phẩm để chăn nuôi, nên việc sản xuất không thường xuyên, không chú trọng chất lượng, an toàn thực phẩm. 

Đáng chú ý, nhiều hộ gia đình sản xuất rượu không có đăng ký, nhưng vẫn đưa ra thị trường tiêu thụ. Điển hình là tại cơ sở sản xuất rượu vang và sâm panh của bà Nguyễn Thị Hoa (đường Ba La, quận Hà Đông), Đội Quản lý thị trường số 26 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện 570 chai rượu vang nho, 108 chai rượu vang nổ (không có mã số, mã vạch trên các chai rượu), 2.000 lít cồn thực phẩm… không bảo đảm chất lượng, an toàn.

Trong khi đó, thực tế hầu hết các quán cơm bình dân thường dùng các loại rượu ngâm như: Táo mèo, ba kích, nếp cái hoa vàng để bán cho khách. Đáng nói là, các loại rượu này đều được đóng trong chai nhựa, không nhãn mác. Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhận định, việc chưa có khái niệm rõ ràng về rượu thủ công đã gây khó khăn cho công tác quản lý, khó phân biệt với rượu công nghiệp. Ngoài ra, hiện chưa có quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm rượu thủ công, nhất là những sản phẩm rượu ngâm khiến lực lượng chức năng thiếu cơ sở để xử lý vi phạm...

Xử lý nghiêm vi phạm

Hiện nay, công tác quản lý, kiểm soát rượu thủ công vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Điều dễ nhận thấy nhất là các quy định, chính sách về quản lý rượu thủ công chưa nhận được sự quan tâm, thực hiện một cách nghiêm túc của những người sản xuất, kinh doanh. Rượu thường không được kiểm soát chất lượng, nhưng vẫn được đưa ra thị trường tiêu thụ. Đáng lo ngại là, trong khi Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định không được bán rượu cho người dưới 18 tuổi, nhưng thực tế trẻ em có thể mua rượu dễ dàng tại các cửa hàng tạp hóa, bán lẻ. Nhiều hộ sản xuất còn lấy lý do tự cung, tự cấp để “né” việc đăng ký giấy phép. 

Các cơ sở sản xuất rượu thủ công thường ít chú trọng vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm.

Ông Vũ Văn Luật, chủ một hộ nấu rượu thủ công làng nghề Tân Độ, xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) phản ánh: "Một hộ dân muốn sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp; giấy phép sản xuất do Sở Công Thương; nhãn mác do Sở Khoa học và Công nghệ; đăng ký chất lượng do Sở Y tế đảm nhận… Do ngại mất nhiều thời gian làm thủ tục nên các hộ gia đình sản xuất rượu thủ công nhỏ lẻ đã "né" việc đăng ký cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu”. 

Để siết chặt công tác này, ngày 5-8-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 3323/UBND-KGVX, yêu cầu các sở, ban, ngành đoàn thể thành phố, các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu. 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, Sở đã chủ trì phối hợp với các ngành liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu; chỉ đạo các đơn vị chức năng quản lý chặt các cơ sở kinh doanh rượu trên địa bàn…  Đồng thời, phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất, cồn công nghiệp, đặc biệt tại khu vực phố Hàng Hòm, Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm); tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trong việc đăng ký cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu...

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo thành phố Hà Nội về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Chu Xuân Kiên nhấn mạnh, để siết chặt hơn nữa quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, Cục đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường phối hợp với các sở, ngành và quận, huyện, thị xã thường xuyên kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có kinh doanh rượu tại chỗ chưa có giấy phép, tiêu thụ rượu không có nguồn gốc, đặc biệt là cơ sở sản xuất rượu thủ công hoạt động không có giấy phép…; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và tiêu hủy sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định; tái kiểm tra các cơ sở đã bị xử lý vi phạm...

Ông Chu Xuân Kiên cũng đề nghị, chính quyền các địa phương cần thường xuyên tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất, lưu thông sản phẩm rượu thủ công. Bên cạnh đó, chủ động yêu cầu các tổ chức, cá nhân ký cam kết không sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc; tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm soát và xử lý nghiêm những hành vi sản xuất, kinh doanh rượu không nguồn gốc, không tem nhãn…

Về phía địa phương, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định trong sản xuất, kinh doanh, tác hại của việc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc... 

Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 439 vụ kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc. Trong đó, xử phạt hành chính hơn 562 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy 7.794 lít rượu không rõ nguồn gốc và 276 chai rượu các loại; trị giá hàng hóa vi phạm hơn 527 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất, kinh doanh rượu: Siết quản lý, tăng kiểm tra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.