Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để bảo vệ uy tín hàng Việt

Kính Lúp| 30/08/2019 07:20

(HNM) - Gần đây, xuất hiện hiện tượng hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt, sau đó xuất khẩu sang các nước khác - tức là để tận dụng tối đa “xuất xứ hàng Việt”. Một số mặt hàng thường bị lợi dụng gồm thép, sản phẩm nhựa, bao bì... Đây là áp lực mới và đòi hỏi cơ quan hữu quan phải có đối sách giải quyết ngay.

Thực tế trên có thể gây ra hệ lụy là nước nhập khẩu có thể tạo sức ép đối với doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử, mới đây Bộ Thương mại Mỹ công bố sẽ áp thuế 456% đối với thép có xuất xứ của nước ngoài mà được xuất khẩu từ Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã triển khai dự thảo thông tư quy định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Mục đích là đưa ra “định nghĩa” thế nào là hàng Việt.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Bộ nghiên cứu về vấn đề này do hiện tượng hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt gia tăng. Theo đó, nếu hàng hóa đạt tỷ lệ nội địa hóa 30% và công đoạn sản xuất cuối cùng không phải là những thao tác gia công đơn giản thì được coi là “sản phẩm của Việt Nam”. Vấn đề còn lại là phân định hàng xuất khẩu thực chất có phải do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hay không.

Chia sẻ vấn đề trên, ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho rằng, nhận diện những doanh nghiệp “núp bóng” không khó bởi nếu đơn vị nào có doanh số bán hàng lớn nhưng sử dụng ít lao động, tiêu thụ ít điện, nước và các chi phí khác để tạo ra sản phẩm chính là trường hợp cần đưa vào diện nghi vấn. Tiếp theo, đó là doanh nghiệp đang hoạt động bình thường nhưng lại có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến; đặc biệt là xuất khẩu vào thị trường đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam…

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần theo dõi chặt chẽ, đánh giá diễn biến đầu tư nước ngoài hoặc hàng nước ngoài vào Việt Nam nhưng chỉ để “tráng men” xuất xứ hàng Việt nhằm hưởng thuế suất thấp. Từ đó, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát thông tin, yếu tố đầu vào, gồm: Thẩm định dự án, đánh giá giá trị dây chuyền sản xuất và công nghệ, đăng ký tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa...

Hy vọng, từ những tham vấn và giải pháp nói trên, việc lợi dụng xuất xứ hàng Việt sẽ từng bước bị đẩy lùi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để bảo vệ uy tín hàng Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.