Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Tạo nguồn lực phát triển mới

Dương - Huyền| 06/09/2019 06:55

(HNM) - Để tạo nguồn lực mới thúc đẩy Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng có bước đi vững chắc, đúng lộ trình trở thành quận, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách, giải nhiều bài toán khó đặt ra từ thực tế. Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của thành phố, các huyện cần chủ động có giải pháp linh hoạt, dựa vào lợi thế riêng của từng địa phương, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để về đích đúng hẹn.

Cần điều chỉnh quy hoạch

Quy hoạch là nền tảng để triển khai các dự án xây dựng hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, nhưng thực tế cho thấy các huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng đều phải đối mặt với không ít vấn đề về quy hoạch.

Chủ tịch UBND xã Vân Hà (huyện Đông Anh) Đỗ Thị Hảo cho biết: Theo quy hoạch ban đầu, Vân Hà nằm ngoài quy hoạch đô thị nên thời gian vừa qua, xã tập trung phát triển hạ tầng, kinh tế nông nghiệp. Do đó, một số tuyến đường trục thôn ở các xã chưa đạt tiêu chuẩn về mặt cắt (từ 4 đến 5m).

Về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đông Anh Nguyễn Quang Đặng nêu thực tế: “Theo Quy hoạch chung Thủ đô thì một phần các xã: Liên Hà, Thụy Lâm, Dục Tú và toàn bộ xã Vân Hà nằm ngoài quy hoạch đô thị. Do vậy, việc nâng cấp thành phường cũng đồng nghĩa với việc phải điều chỉnh quy hoạch tại các xã nói trên”…

Nhiều tuyến đường giao thông ở các xã phải đầu tư đồng bộ cây xanh, chiếu sáng, thoát nước để đạt tiêu chí đường đô thị. Ảnh: Lâm Nguyễn

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ: Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, huyện Đan Phượng trở thành trọng điểm phát triển đô thị bên bờ Nam sông Hồng. Các xã phía Đông được quy hoạch xây dựng gắn với đô thị trung tâm, còn các xã phía Tây nằm trong hành lang xanh của Thủ đô. Do vậy, thời gian vừa qua, đối với các xã phía Tây, huyện tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chưa chú trọng đầu tư hệ thống đường giao thông theo hướng đô thị, đồng bộ vỉa hè, cây xanh, hệ thống chiếu sáng, thoát nước... “Đồ án quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch chi tiết trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp với định hướng phát triển xã thành phường, huyện trở thành quận”, ông Nguyễn Hữu Hoàng nhấn mạnh.

Với những vướng mắc, bất cập trong việc xây dựng hạ tầng đô thị tại các huyện đang phấn đấu trở thành quận, ông Tô Anh Tuấn - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng: Cần sớm có những tháo gỡ về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với các tiêu chí của quận, phường… Về vấn đề này, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các huyện phối hợp với các sở, ngành liên quan, trên cơ sở quy hoạch chung của Thủ đô (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) thống nhất ý kiến xin điều chỉnh quy hoạch, trình thành phố báo cáo Chính phủ xem xét.

Tìm cơ chế, tạo động lực 

Nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng đô thị rất lớn. Trong khi kinh phí cấp huyện chủ yếu phụ thuộc vào nguồn đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất và sự hỗ trợ từ thành phố. Vì vậy, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng nêu: Để hoàn thiện nhóm tiêu chí hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, huyện rất cần thành phố hỗ trợ kinh phí. Đây cũng là kiến nghị của nhiều địa phương.

Về vấn đề này, UBND thành phố đã thống nhất sẽ báo cáo, xin ý kiến Chính phủ cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù về tài chính để tạo nguồn lực đầu tư giúp các huyện phát triển thành quận. Đồng thời, UBND thành phố cũng đề ra những giải pháp cụ thể đối với việc triển khai dự án hạ tầng giao thông căn cứ theo lợi thế, nguồn lực, đặc thù của từng địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết: Thời gian tới huyện sẽ đẩy mạnh đầu tư các tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, các đường liên khu vực, trục chính đô thị theo các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch giao thông vận tải đã được UBND thành phố phê duyệt. Cùng với đó, huyện cũng thúc đẩy các dự án ngoài ngân sách khác trên địa bàn theo quy hoạch, kế hoạch và đề xuất bổ sung các tuyến đường do cấp huyện đầu tư để hoàn thành tiêu chí giao thông là 10km/km2...

Có thể nói sự chủ động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, và để giải quyết những bất cập, vướng mắc từ thực tế, các huyện cần đẩy mạnh hoạt động thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị..., giảm sức ép đối với ngân sách thành phố.    

 Từ việc nỗ lực thực hiện lộ trình phát triển thành quận của Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, đến nay nhiều tuyến đường giao thông, không gian đô thị đã hình thành tại những địa phương này... Song, cùng với sự hỗ trợ của thành phố, các huyện cần chủ động triển khai với những giải pháp linh hoạt, thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng, động lực để hoàn thành các nhóm tiêu chí, đưa các địa phương này trở thành quận đúng lộ trình đã được xác định.

- Ngày 18-9-2018 UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4916/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020... Để có đủ nguồn lực thực hiện đề án, thành phố chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với huyện Hoài Đức đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn đầu tư tại chỗ, từ tiềm năng đất đai trên địa bàn thông qua việc đấu thầu, đấu giá theo quy định và cơ chế điều tiết tiền sử dụng đất một cách hợp lý...

- Ngày 31-5-2019, Thành ủy có Thông báo số 1973-TB/TU, kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về dự thảo Đề án đầu tư, xây dựng các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng thành quận. Theo đó đồng ý chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo của thành phố đối với các huyện nhằm nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tập trung đôn đốc các huyện thực hiện và chủ động tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Tạo nguồn lực phát triển mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.