Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Việt Tuấn| 01/10/2019 07:35

(HNM) - Giám sát thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội nhận định, dù có 3 chỉ tiêu về đích trước hạn, song vẫn còn nhiều lo lắng đối với 14 chỉ tiêu khác, bởi thời hạn không còn nhiều và cần phải “chạy nước rút” mới có thể hoàn thành. Trước mắt, các sở, ngành, địa phương cần khẩn trương rà soát những chỉ tiêu dự báo còn nhiều khó khăn, đề xuất giải pháp đồng bộ để thực hiện.

4 chỉ tiêu “gặp khó”

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, trong Nghị quyết số 05/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của HĐND thành phố, có 4 chỉ tiêu giao tăng thêm và 4 chỉ tiêu phấn đấu cao hơn so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI. Qua giám sát, dù đã có 3 chỉ tiêu đạt kế hoạch từ năm 2018 (tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo cuối kỳ), nhưng một số chỉ tiêu đang rất khó khăn, gồm: Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng; số giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ thu gom rác thải; cung cấp nước sạch cho nhân dân…

Việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng sẽ góp phần kết nối các loại hình vận tải, thuận tiện hơn cho người dân sử dụng. Ảnh: Khánh Huy

Theo Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Lê Hồng Hà, địa phương đã rất nỗ lực thực hiện, song chỉ tiêu về thu gom rác thải ở địa phương còn khó khăn, nhất là khu vực làng nghề. “Một trong những nguyên nhân là do số lượng rác phát sinh lớn, nhưng việc thu phí dịch vụ khó khăn, đơn giá thấp…”, ông Lê Hồng Hà cho biết.

Về lĩnh vực này, các huyện: Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên cũng có khó khăn tương tự. Bởi hiện nay, các đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường đang thực hiện thu gom cả lượng rác phát sinh ngoài hợp đồng, trong khi đơn giá dịch vụ chưa được tính đúng, tính đủ, dẫn tới việc thu gom rác trong ngày ở một số nơi chưa đạt. Ông Nguyễn Tiến Trình (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ) cho hay, trên địa bàn thị trấn chưa có nhà máy xử lý chất thải rắn nên việc đổ phế thải xây dựng vẫn diễn ra tràn lan và rất khó kiểm soát…

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Thanh cho biết, chỉ tiêu HĐND thành phố giao năm 2020, vận tải hành khách công cộng đạt tỷ lệ 30-35%, nhưng đến tháng 9-2019 mới đạt 16,08%. Dự báo, đến hết năm 2020 đạt 20,08%... Đối với chỉ tiêu về giường bệnh/vạn dân, theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền, hiện tại ngành đang cố gắng để về đích đúng hẹn, nhưng trước mắt còn nhiều trở ngại. Mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đạt 26,5 giường bệnh/vạn dân, nhưng đến nay, mới đạt 23,3 giường bệnh/vạn dân...

Cơ chế nào bất cập thì phải sửa

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, để hoàn thành các chỉ tiêu theo nghị quyết của HĐND, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Chương trình hành động số 12/CTr-UBND ngày 10-1-2019 về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Văn bản số 3106/UBND-KHĐT ngày 22-7-2019 về triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm…, trong đó khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế với những chỉ tiêu đạt thấp.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, để tháo gỡ vấn đề vận tải hành khách công cộng, Sở đã phối hợp tham mưu với UBND thành phố đề nghị HĐND thành phố sửa đổi Nghị quyết số 03/2013/NQ-HĐND về ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Trong đó chú trọng chính sách trợ giá đối với vận tải hành khách công cộng; khuyến khích đổi mới, đầu tư phương tiện theo hướng hiện đại hóa và phương tiện có mức phát thải đạt tiêu chuẩn Euro 4, Euro 5, sử dụng nhiên liệu sạch… Về vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Vũ Văn Viện khẳng định: “Sở sẽ mở thêm các tuyến buýt, điều chỉnh luồng tuyến cho phù hợp và tăng cường kết nối các loại hình vận tải để thuận tiện hơn cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng”. 

Về giải pháp thực hiện chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, Sở sẽ đề nghị Bộ Y tế cho phép tăng tỷ lệ giường bệnh của các bệnh viện trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn phục vụ người dân Hà Nội từ 21% như hiện nay lên mức 23%; đề xuất Trung ương bàn giao cho Hà Nội 9 bệnh viện và viện có giường bệnh; đồng thời thúc đẩy hoàn thành 4 bệnh viện mới được đầu tư bằng vốn ngân sách thành phố.

Đối với công tác thu gom rác thải khu vực nông thôn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc đề xuất, thành phố sớm điều chỉnh mức giá dịch vụ thu gom rác đối với các cá nhân, tổ chức, bảo đảm cân đối đủ nguồn thanh toán cho nhà thầu (ở các quận có mức giá là 6.000 đồng/người/tháng, ở huyện là 3.000 đồng/người/tháng). “Dịch vụ này cần được ưu tiên nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, cũng như để đạt mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp”, ông Nguyễn Minh Ngọc nhìn nhận.

Từ thực tiễn giám sát tại các sở, ngành, địa phương, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: "Đoàn giám sát sẽ phân tích kết quả của từng chỉ tiêu, dự báo kết quả đạt được đến hết nhiệm kỳ và kiến nghị cụ thể với UBND thành phố, báo cáo Thành ủy để tập trung chỉ đạo thực hiện. Trong đó, đặc biệt lưu ý với một chỉ tiêu dự kiến không đạt để có phương hướng, giải pháp tập trung thực hiện trong những tháng tới". Chủ tịch HĐND thành phố cũng đề nghị rà soát toàn bộ chính sách, nếu cơ chế nào bất cập thì đề xuất sửa đổi cho phù hợp, thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt kết quả cao nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần nhiều giải pháp đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.