Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Giúp người lao động an cư

Bài, ảnh: Tuệ Diễm| 04/10/2019 07:37

(HNM) - Hiện nay, giá nhà ở tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng cao, người lao động có thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân đã gặp khó khăn với “giấc mơ an cư”. Để giúp người lao động có được mái ấm ổn định, nhiều chính sách, giải pháp chăm lo chỗ ở cho công nhân ở khu vực này đã và đang được các ban, ngành chức năng triển khai.

Khu nhà ở xã hội Định Hòa (Bình Dương) được xây bán cho công nhân với giá từ 100 triệu đồng/căn.

Đáp ứng nhu cầu về nhà ở còn thấp

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang) là nơi tập trung khu công nghiệp và có số lượng công nhân lớn nhất ở nước ta. Theo số liệu thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến đầu năm 2018, ở khu vực này có khoảng 1,2 triệu công nhân tại các khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở. Dự kiến đến năm 2020, con số này sẽ vào khoảng 1,7 triệu lao động. Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Bình Dương (hơn 90%), thành phố Hồ Chí Minh (63%), Đồng Nai (60%).

Tuy vậy, theo báo cáo của các địa phương, các dự án nhà công nhân trên địa bàn mới chỉ đáp ứng trung bình khoảng 28% so với nhu cầu thực tế. Cụ thể, thành phố Hồ Chí Minh hiện có 377.000 công nhân lao động đang làm việc trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và 21 cụm công nghiệp, nhưng thành phố mới chỉ giải quyết được 15% nhu cầu về nhà ở của công nhân. Tương tự, tỉnh Long An có khoảng 300.000 lao động trong và ngoài tỉnh, tuy nhiên, việc xây dựng nhà ở cho công nhân đáp ứng chưa được 3% nhu cầu...

Điều đáng nói là với khả năng tài chính hạn chế và mức phí sinh hoạt đắt đỏ tại khu vực này, cơ hội để công nhân mua được nhà là rất thấp. Anh Thái Bằng, 28 tuổi, quê ở tỉnh Hà Tĩnh, đang làm công nhân tại một nhà máy sản xuất vải lau công nghiệp ở thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), chia sẻ: “Hiện tôi phải thuê nhà trọ ẩm thấp, rộng 15m2, sống cùng vợ và 1 con nhỏ 2 tuổi. Tiền thuê nhà gần 2 triệu đồng/tháng và với mức thu nhập hiện tại thì tôi không dám mơ mua nhà chung cư, vì mức giá hiện tại lên đến 25-30 triệu đồng/m2”.

Cần phát triển các nguồn vốn vay ưu đãi

Trước thực trạng kể trên, thời gian qua cũng đã có một số doanh nghiệp chủ động chính sách hỗ trợ người lao động mua nhà. Điển hình, năm 2007, Tổng công ty cổ phần Phong Phú đã đầu tư xây dựng chung cư Nhân Phú (quận 9) quy mô 197 căn hộ cho công nhân, nhân viên công ty. Căn hộ được bán với giá 9 triệu đồng/m2, người lao động chỉ cần thanh toán 20%, còn 80% doanh nghiệp sẽ bảo lãnh vay ưu đãi ngân hàng cho công nhân trả dần trong 10-15 năm. Ông Phạm Xuân Trình, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú cho biết: “Đối với những công nhân không đủ tiền mua, công ty cho thuê với chi phí thấp”.

Cũng do gặp khó khăn về tìm quỹ đất xây nhà ở cho công nhân, nhiều doanh nghiệp đã chuyển qua hỗ trợ người lao động thuê, mua nhà. Điển hình như Liên hiệp hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) hỗ trợ 200 triệu đồng cho lao động có hoàn cảnh khó khăn, làm việc cho công ty trên 10 năm được mua nhà ở. Với người lao động thuê nhà, mức hỗ trợ là 200.000 đồng/tháng. “Triển khai từ năm 2015 đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ 83 người lao động mua và thuê nhà với tổng số tiền 16,2 tỷ đồng”, ông Quách Cường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Saigon Co.op cho biết.

Để từng bước đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân, hiện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay: “Theo đề án, sẽ đầu tư xây dựng tối thiểu một thiết chế của công đoàn tại mỗi tỉnh. Đó là một tổ hợp công trình được xây dựng đồng bộ trên diện tích 3-5ha, gồm: Nhà ở (căn hộ), nhà trẻ, siêu thị, công trình văn hóa, thể thao... Một thiết chế này sẽ có khoảng 1.000 căn hộ (giá bán từ 150 triệu đồng/căn). Theo dự tính, đến năm 2020 sẽ xây dựng 50 thiết chế công đoàn tại 50 khu công nghiệp và khu chế xuất, tạo nơi ở có chất lượng cho khoảng 200.000 đoàn viên công đoàn là công nhân, người lao động. Phấn đấu đến năm 2030, sẽ xây dựng 340 thiết chế của công đoàn tại 340 khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước.

Ở góc độ địa phương, để khuyến khích, mời gọi doanh nghiệp chung tay xây dựng nhà ở cho công nhân, ông Trần Hữu Thông, Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị tiếp xúc đầu tư để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư bất động sản, các doanh nghiệp sản xuất tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân. Doanh nghiệp sẽ được hưởng các ưu đãi về đất đai, thuế, nguồn vốn…”.

Liên quan đến việc giải bài toán khó nhất là tài chính cho công nhân có thể sở hữu nhà ở, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Để giúp công nhân có thể mua nhà ở, cần xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các nguồn vốn vay ưu đãi đối với công nhân lao động, hỗ trợ tạo lập nhà ở, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa đối với thị trường”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đề nghị các địa phương cần tập trung xây dựng, rà soát điều chỉnh, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Giúp người lao động an cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.