Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế năm 2019: Vượt khó để có mức tăng trưởng ấn tượng!

Hoa Thành Ly| 22/10/2019 17:55

(HNMO) - Đồng tình với nhận định của các đại biểu khác trong thảo luận tại tổ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Chúng ta đã vượt khó, có mức tăng trưởng ấn tượng, kinh tế vĩ mô ổn định, được các nước đánh giá cao”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận tại tổ chiều 22-10.

Thu ngân sách vẫn tăng chưa bền vững

Chiều 22-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Tĩnh) nhận định: “Năm 2019, Mỹ dự kiến chỉ tăng GDP 2%, thấp hơn so với mong muốn là 3%. Nhật Bản tăng trưởng 0,6%; EU tăng 1%; Ấn Độ nhiều năm liền tăng trên 7% nhưng năm 2019 dự kiến tăng 5%. Singapore có thể tăng trưởng 0%… Như vậy, việc nước ta tăng trưởng đạt 6,8% và có khả năng đạt hơn là cố gắng lớn, trong đó, động lực chính vẫn là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Nông nghiệp chịu thiệt hại lớn bởi bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 63 tỉnh, thành phố, gây chết 5,5 triệu con lợn, chiếm gần 20% tổng đàn khiến ngành này chỉ tăng 2,02%. Công nghiệp chế biến, chế tạo và tiêu dùng trong nước tăng mạnh. Đặc biệt, tiêu dùng tăng gần 12%, là mức tăng lớn nhất trong nước từ trước đến nay, bù đắp cho thiệt hại về nông nghiệp và xuất khẩu.

Đồng tình với nhiều nhận định của các đại biểu khác, Phó Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta đã vượt khó, có mức tăng trưởng ấn tượng, kinh tế vĩ mô ổn định, được các nước đánh giá cao. Đặc biệt, lạm phát được duy trì ở mức 2,5% trong khi giá điện và nhiều giá dịch vụ điều chỉnh…”. 

Tại tổ Hà Nội, các đại biểu quan tâm đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội

Nêu thực trạng doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng ở những vùng có điều kiện phát triển như đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, cần đặt vấn đề là các chính sách tháo gỡ khó khăn cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển đã đi vào cuộc sống hay chưa? Báo cáo của Chính phủ nêu tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở thành thị gia tăng; tỷ lệ hộ nghèo ở một số khu vực còn cao. Chính phủ cần đánh giá rõ xem nguyên nhân do đâu, từ cơ chế chính sách hay còn tồn tại ở khu vực, bộ, ngành nào?

"Tại Hà Nội, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị 15-CT/TU và Nghị quyết 15-NQ/TU để tập trung giải quyết, tháo gỡ các vụ việc phức tạp với giải pháp theo từng thời điểm. Từ đó, tôi đề xuất khi doanh nghiệp giải thể nhiều, người có trình độ đại học, cao đẳng thất nghiệp nhiều hơn thì phải làm rõ lý do và có giải pháp tháo gỡ hiệu quả”, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc kiến nghị.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, để người dân có niềm tin vững chắc vào sự phát triển kinh tế - xã hội thì trong báo cáo của Chính phủ nên có minh họa rõ nét hơn về các kết quả đã đạt được.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phân tích, thu ngân sách năm 2019 đã vượt ước 46.000 tỷ đồng, nhưng tính bền vững của các khoản thu ngân sách chưa được thể hiện. Trên thực tế, nguồn thu chính vẫn từ đất và khoáng sản, trong khi thu từ 3 khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI đều sụt giảm.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội).

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng, cần nhìn vào cơ cấu con số để thấy rõ hơn sự phát triển này. Thực tế là thu ngân sách của các doanh nghiệp không hiệu quả, khối doanh nghiệp tư nhân và nhà nước đều giảm. Doanh thu của doanh nghiệp giảm, hiệu quả, lợi tức giảm, nghĩa là doanh nghiệp không phát triển.

“Thu ngân sách chỉ ổn định khi sản xuất, kinh doanh phát triển. Chính phủ cần những chính sách thực chất để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nếu như hiện nay là chưa bền vững”, đại biểu Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh.

Cần tiếp tục hỗ trợ, “bơm sức” cho khu vực tư nhân

Tại tổ thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Anh Tuấn nêu quan điểm, báo cáo kinh tế - xã hội năm 2019 của Chính phủ nhận định ngành công nghệ chế biến, chế tạo giữ vai trò động lực trong tăng trưởng kinh tế và số liệu cho thấy lĩnh vực này có chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, để ngành này được coi là động lực trong tăng trưởng, báo cáo của Chính phủ cần có đánh giá chi tiết, toàn diện hơn như đóng góp của khu vực này đối với tăng trưởng chung là bao nhiêu, tạo việc làm cho người lao động như thế nào…

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, để nền kinh tế nước ta phát triển độc lập, tự chủ, phải phát triển kinh tế khu vực tư nhân cùng kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, kinh tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn; có phát triển nhưng ở hướng ngắn hạn nhiều hơn, thiếu những doanh nghiệp lớn với hướng đầu tư dài hạn.

“Muốn có được cộng đồng doanh nghiệp phát triển tốt cần tiếp tục hỗ trợ, “bơm sức” cho khu vực này. Để gỡ “rào cản” cần có giải pháp đột phá về thể chế. Quốc hội nên tăng thêm đại biểu chuyên trách để khâu làm luật tăng lượng và tăng chất, có bề dày ổn định, hạn chế việc sửa đổi vì các nhà đầu tư rất sợ rủi ro về thể chế”, đại biểu nêu.

Đề cập tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thực hiện chậm, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) nêu, hạn chế này đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, trong khi đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội) đánh giá, Chính phủ chưa đưa ra giải pháp đột phá nào để giải quyết vấn đề này.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang).

Ùn tắc đô thị là vấn đề được đại biểu Trần Văn Lâm quan tâm. Theo đại biểu, hiện trạng này diễn ra đã nhiều năm nay nhưng các giải pháp được đưa ra chưa có triển vọng. Bên cạnh đó, an ninh môi trường, nước sạch, không khí và rác thải ở các đô thị cũng đang trở thành những vấn đề nóng, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm giải quyết.

Cũng trong chiều nay, các đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước và việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ Khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế năm 2019: Vượt khó để có mức tăng trưởng ấn tượng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.