Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Cân nhắc cơ chế chia sẻ rủi ro

Bảo Hân| 11/11/2019 13:47

(HNMO) - Sáng 11-11, tiếp tục kỳ họp thứ tám, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Luật PPP là để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư tư nhân

Phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu quan điểm: Trong một số lĩnh vực, không cần thiết phải đầu tư công thì vai trò của Nhà nước nên được hạ thấp để đề cao vai trò của tư nhân. Việc ban hành Luật PPP để kêu gọi nhiều nguồn lực phát triển được Thủ tướng khẳng định là một hướng đi hết sức cần thiết và là kết quả của quá trình thay đổi tư duy của Đảng, Nhà nước. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (đại biểu Quốc hội Đoàn Hải Phòng) thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

Thủ tướng cũng nhận định, nguồn lực trong nhân dân rất lớn, nhưng nếu không có pháp luật bảo vệ thì người dân không đầu tư. Do đó, Luật PPP ra đời là đòi hỏi cấp bách.

Thủ tướng nêu, theo quy luật kinh tế, khi đầu tư theo hình thức công - tư thì cả Nhà nước, nhà đầu tư và người dân đều có lợi. Việc bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư tư nhân để họ yên lòng là rất quan trọng. Dự thảo luật chỉ nên quy định những nguyên tắc quan trọng để nhà đầu tư yên tâm, còn lại giao cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm sự linh hoạt, thông thoáng trong thực hiện.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội ưu tiên các chính sách thu hút dự án PPP cho những vùng xa xôi, khó khăn.

Thu hút đầu tư PPP: Thông thoáng nhưng phải chặt chẽ

Cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu cũng nhận được nhiều ý kiến thảo luận tại tổ trong sáng cùng ngày.

Tại Đoàn Hà Nội, đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng, cả tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật PPP đều lý giải việc bù doanh thu để tránh cho doanh nghiệp thiệt thòi khi doanh thu sụt giảm.

Tuy nhiên, theo đại biểu, các doanh nghiệp đấu thầu, ký hợp đồng dự án đối tác công tư nên “lời ăn, lỗ chịu”. Quy định bù trừ doanh thu 50% là bất hợp lý và không công bằng, dễ tạo ra sự ỷ lại cho đối tác đầu tư. “Chính phủ cần định nghĩa rõ những trường hợp đặc biệt và quy định vào trong luật để bù trừ doanh thu”, đại biểu kiến nghị. 

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội).

Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Phú Quốc (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, ngoài các dự án có mục đích bảo đảm an sinh xã hội, các dự án vì mục đích kinh tế thì doanh nghiệp nên tính toán đến việc “lời ăn lỗ chịu”, giữa nhà nước và doanh nghiệp phải có quyết toán rõ ràng. Đại biểu cũng đặt ra vấn đề về nguồn tài chính để bù lỗ cho các dự án sẽ ảnh hưởng đến ngân sách.

“Đặt tình huống các dự án đều đồng loạt báo lỗ thì nhà nước lấy nguồn tài chính, ngân sách nào để bù?”, đại biểu Phạm Phú Quốc nêu câu hỏi.

Đại biểu Phạm Phú Quốc (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh).

Dưới góc nhìn khác, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cơ chế chia sẻ rủi ro và lợi ích là điều cốt yếu vì đầu tư PPP không thể nói là không có rủi ro. Tuy nhiên, cần đánh giá rõ rủi ro là gì, cơ chế xác định rủi ro ra sao và cần đưa vào dự án Luật PPP, tránh tình trạng rủi ro đó không phải do bản chất của dự án mà do năng lực, khả năng vận hành của chủ đầu tư. 

“Trong dự án luật cần làm rõ thêm, đây là dự án đầu tư mà người dân trực tiếp tham gia hưởng thụ và chi trả nên tính chất công khai, minh bạch rất cao. Yêu cầu người dân được tham gia giám sát dự án là đặc biệt quan trọng”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) mong muốn dự thảo Luật PPP hình thành cơ sở pháp lý thu hút đầu tư đáp ứng yêu cầu thông thoáng để có thể thu hút được doanh nghiệp có năng lực thực sự, có trách nhiệm với xã hội nhưng cũng phải đủ chặt chẽ, không để doanh nghiệp yếu kém có cơ hội tham gia.

Chia sẻ rủi ro có thể tạo tâm lý trông chờ từ nhà đầu tư

Trước khi thảo luận tại tổ, các đại biểu đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật PPP.

Theo tờ trình, dự án luật được bố cục thành 11 chương, 102 điều, bổ sung một số chính sách mới nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập hiện nay; bảo đảm tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.

Về bản chất, dự án PPP là dự án được triển khai nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công (mục đích công) thông qua đầu tư tư nhân hoặc quản lý tư nhân. Nhà nước muốn kêu gọi nguồn lực tài chính, tận dụng được trí thức, năng lực quản lý từ các thành phần kinh tế để bù đắp thiếu hụt về ngân sách thì Nhà nước cũng cần có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh, mà không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm, rủi ro của việc thực hiện dự án mục đích công này cho tư nhân như đối với dự án đầu tư kinh doanh, thương mại thông thường. Do đó, dự án Luật PPP đã thiết kế “cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu” theo hướng Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng; nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Về nội dung này, tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với các dự án này có thể tạo tâm lý trông chờ từ phía các nhà đầu tư. Ủy ban đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ rủi ro cũng như quy định rõ hơn về cơ chế áp dụng đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời, xác định nguồn để xử lý các rủi ro ngay tại dự thảo luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Cân nhắc cơ chế chia sẻ rủi ro

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.