Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng tại các huyện: Còn nhiều vướng mắc

Việt Tuấn| 19/11/2019 07:21

(HNM) - Quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Kết quả giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội về lĩnh vực này tại các huyện đầu tháng 11-2019 cho thấy, còn nhiều vướng mắc từ thực tiễn trong quản lý và thực hiện quy hoạch.

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội giám sát về quản lý và thực hiện quy hoạch tại UBND huyện Gia Lâm.

Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, cuối năm 2012, thành phố đã hoàn thành phê duyệt các nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng huyện tỷ lệ 1/5.000, 1/10.000 và Quy hoạch chung xây dựng thị xã Sơn Tây lồng ghép đô thị vệ tinh Sơn Tây. Riêng 3 huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức cơ bản thuộc khu vực định hướng phát triển đô thị nên không triển khai Quy hoạch chung xây dựng huyện. Cuối năm 2012, 100% các xã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới tỷ lệ 1/5.000.

Thiếu liên kết vùng

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển, phù hợp với thực tiễn và các quy định mới, giai đoạn 2013-2016, nhiều quy hoạch xây dựng cấp huyện, xã đã được điều chỉnh. Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, đến tháng 10-2019, UBND thành phố đã phê duyệt 13/14 đồ án Quy hoạch chung xây dựng huyện tỷ lệ 1/10.000 và 1/5.000, trừ huyện Gia Lâm. UBND các huyện đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đối với 225/324 xã.

Thời gian qua, UBND các huyện đã bám sát Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quản lý và thực hiện công tác quy hoạch ở địa phương đã được phê duyệt, điều chỉnh. Tuy nhiên, qua giám sát của Thường trực HĐND thành phố, việc quản lý và thực hiện quy hoạch còn nhiều vướng mắc, nhất là ở cấp xã.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, quy định ranh giới quy hoạch ở nông thôn giới hạn từ 15ha đến 20ha, nhưng thực tế nhiều xã quỹ đất khu trung tâm thiếu nên không thể mở rộng quy hoạch để phát triển hạ tầng xã hội. Cùng với đó, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, giao thông, thủy lợi ở các xã chắp vá, nên việc thực hiện quy hoạch khớp nối hạ tầng còn nhiều khó khăn.

Tương tự, việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch tại huyện Phú Xuyên cũng có bất cập. “Đồ án Quy hoạch chung xây dựng huyện chưa cập nhật hết hiện trạng các khu đất ảnh hưởng đến công tác quản lý quy hoạch, nhất là việc đấu giá quyền sử dụng đất tại các xã. Bên cạnh đó, việc không áp dụng hình thức ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình xây dựng vi phạm quy hoạch gây nhiều khó khăn cho chính quyền trong áp dụng biện pháp đình chỉ thi công đối với công trình vi phạm”, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Thế Công nhấn mạnh.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên cho biết, chất lượng thực hiện quy hoạch của huyện có hạn chế. Một trong những vướng mắc là 3 xã Yên Bình, Tiến Xuân, Thạch Hòa có 80% diện tích nằm trong vùng quy hoạch Khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc nên huyện chưa thực hiện rà soát điều chỉnh, bổ sung. “Người dân xã Yên Bình rất muốn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhưng vướng mắc chờ phê duyệt Quy hoạch Khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc, nên ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới”, Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần chia sẻ.

Tăng cường tập huấn về quản lý quy hoạch

Từ thực trạng trên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhận định, trong quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch xây dựng tại các huyện còn dàn trải. Đặc biệt, 5 huyện ven đô là: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức có tốc độ đô thị hóa nhanh, tỷ lệ diện tích và dân số đô thị cao hơn nhiều so với các huyện khác nhưng quy hoạch chi tiết khu dân cư hiện có (nằm trong các quy hoạch phân khu đô thị) chưa được triển khai đồng bộ với các dự án phát triển đô thị tiếp giáp.

“Thời gian tới, UBND các huyện cần rà soát, phối hợp với các sở, ngành của thành phố khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, để thuận lợi trong việc bổ sung lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý theo quy hoạch trong tương lai gần, chuyển tiếp phân cấp quản lý từ huyện thành quận”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Về mặt khách quan, theo Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố Nguyễn Trúc Anh, hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về phương pháp, nội dung triển khai Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nên khi triển khai ở các địa phương còn nhiều vướng mắc, cách làm không thống nhất. Đặc biệt, quy hoạch nông thôn (cấp xã) chưa cập nhật các chỉ tiêu phát triển ngành, lĩnh vực của cấp huyện và thành phố.

Do vậy, từ năm 2016 đến nay, đa số các xã đều phải rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới, Quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã, nên triển khai xây dựng nông thôn mới chậm. “Sở sẽ tham mưu cho thành phố ban hành văn bản hướng dẫn về quy trình lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh cục bộ đối với từng loại hình quy hoạch cho các địa phương”, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh.

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, thực tế quy hoạch chung của các xã trong từng huyện vẫn còn hạn chế, chưa có liên kết vùng, chưa thể hiện sự đồng bộ hạ tầng. Nguyên nhân một phần là do cán bộ làm công tác quy hoạch ở địa phương hạn chế về tầm nhìn, nhất là tính dự báo và liên kết. Còn Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên đề xuất, thời gian tới, thành phố cần tăng cường tập huấn về quy hoạch kiến trúc cho cán bộ cấp huyện và cơ sở để nâng cao trình độ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng tại các huyện: Còn nhiều vướng mắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.