Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải rõ hiệu quả

Minh Thúy| 24/08/2018 06:04

(HNM) - Sau khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 ra đời, trong các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ: Nghị định 91/2009/NĐ-CP, Nghị định 93/2012/NĐ-CP, Nghị định 86/2014/NĐ-CP đều quy định xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.


Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP gần đây nhất, Bộ Giao thông - Vận tải quy định, thiết bị giám sát hành trình phải tích hợp camera đã gây ra phản ứng trái chiều từ nhiều phía.

Không thể phủ nhận, thiết bị giám sát hành trình góp phần bảo đảm an toàn giao thông vì đã buộc lái xe, doanh nghiệp tuân thủ quy định trong kinh doanh vận tải. Qua thực tế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng ghi nhận, số vụ vi phạm về tốc độ đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước khi bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát và qua đó cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vi phạm để xử lý...

Thực tế, phản ứng không đồng tình với dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP bắt nguồn từ việc khai thác tính năng của thiết bị giám sát hành trình chưa được như kỳ vọng. Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trung bình mỗi tháng chỉ có khoảng 80% phương tiện truyền dữ liệu về Tổng cục.

Trong khi đó, có những tháng có tới 10 tỉnh, thành phố không xử lý vi phạm thông qua thống kê do Tổng cục báo về. Chưa kể, hệ thống giám sát hành trình thường chậm, ảnh hưởng tới việc theo dõi, kiểm tra nên cơ quan chức năng xử lý vi phạm chưa kịp thời; việc tra cứu dữ liệu từ hệ thống chưa giúp xử lý triệt để vi phạm, dẫn đến vẫn còn xe "dù", bến "cóc", xe chạy sai hành trình... vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Có lẽ vì chưa thật sự hiệu quả nên nhiều doanh nghiệp lắp đặt thiết bị chỉ để đối phó. Hơn nữa, vì thiết bị chưa được khai thác triệt để tính năng nên càng khiến dư luận lo ngại dự thảo làm khó doanh nghiệp, tăng chi phí cho xã hội và việc lắp đặt mới sẽ gây lãng phí lớn.

Do đó, để dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP nhận được sự đồng thuận, điều cần làm là phải chứng minh tính hữu ích của thiết bị với doanh nghiệp, với lái xe và với cơ quan quản lý nhà nước.

Muốn vậy, điều đầu tiên là phải chuẩn hóa hệ thống của thiết bị giám sát hành trình hiện có, khắc phục lỗi mà không ít lái xe cho rằng, thiết bị hay trục trặc và thiếu chính xác, dù đã được cơ quan chức năng kiểm định. Là công cụ để quản lý nên mọi thiết bị giám sát hành trình phải được cơ quan nhà nước giám sát, bảo đảm mọi vi phạm được xử lý nghiêm, công bằng, công khai. Không để tình trạng chủ các phương tiện lắp cho có, còn cơ quan có trách nhiệm xử lý vi phạm qua thiết bị lại không thực hiện chức trách của mình.

Và quan trọng hơn là phải làm cho doanh nghiệp thực sự thấy được lợi ích nhiều mặt từ chủ trương này. Theo đó, thiết bị cần được tích hợp các thông số thực tế trên đường đi; thiết kế thêm phần mềm cảnh báo nhằm ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông khi lái xe chạy quá tốc độ, làm việc quá giờ được phép... Khi công nghệ số được tích hợp với thiết bị giám sát, mang lại lợi ích thiết thực thì các chủ sở hữu xe sẽ tự giác lắp đặt thiết bị.

Để khẳng định tính hiệu quả, cơ quan chức năng cũng nên thử nghiệm thiết bị giám sát hành trình có chức năng camera với một loại phương tiện, ở một cung đường hay địa phương nào đó phù hợp. Sau khi có đủ cơ sở từ thực tiễn, lúc ấy đưa thiết bị này vào là quy định bắt buộc sẽ hợp lý, hợp tình.

Khi tính hiệu quả đã được chứng minh thì tổng chi phí lắp đặt thiết bị mới cho khoảng 340.000 phương tiện theo tính toán hiện nay sẽ là sự đầu tư bền vững, mang đến sự an toàn cho toàn xã hội. Và sẽ càng ý nghĩa hơn bởi khi ấy quy định thực sự đi vào cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải rõ hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.