Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới thực chất, hiệu quả

Dục Tú| 05/09/2018 06:01

(HNM) - Hôm nay 5-9, học sinh cả nước tựu trường trong tiếng trống khai giảng tưng bừng, bước vào năm học mới 2018-2019 với nhiều kỳ vọng về đổi mới việc dạy và học một cách thực chất, hiệu quả. Cần phải tạo ra một bước chuyển thuyết phục về giáo dục và đào tạo bởi đây đã là năm thứ 5 ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.


Nói thuyết phục hơn là bởi kể từ khi Nghị quyết số 29-NQ/TƯ được ban hành, đến nay, qua 5 năm, dù đã có sự chuyển biến nhất định trong công tác giáo dục và đào tạo nhưng kết quả chưa xứng với yêu cầu, mục tiêu đề ra. Chúng ta đã đặt ra vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa, nội dung và phương pháp giảng dạy, tổ chức thi cử, đánh giá chất lượng dạy và học. Ngành Giáo dục đã chú ý nhiều hơn đến việc dạy người, bên cạnh việc dạy chữ. Bệnh hình thức và bệnh thành tích có giảm; tình trạng dạy thêm - học thêm không còn ồn ào, gây bức xúc như trước…

Tuy nhiên, quá trình thực hiện kế hoạch, chương trình, giải pháp đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ cho thấy một số vấn đề tồn tại, hoặc kết quả chưa được như kỳ vọng. Vẫn còn đó hành vi bạo lực học đường, học sinh vi phạm pháp luật, sự cố thi cử, thu - chi tiền trường không đúng quy định và không minh bạch. Môi trường sư phạm chưa thực sự trong lành mọi lúc mọi nơi, cộng thêm nội dung, phương pháp giảng dạy liên quan đến đạo đức công dân, nếp sống, lối sống, cách ứng xử chưa gắn liền với thực tế đời sống ở mức cần có nên hiệu quả giáo dục chưa cao. Trẻ thiếu hụt kỹ năng xử lý tình huống, ứng xử văn minh là một nhẽ, điều đáng ngại là đôi khi chúng tiêm nhiễm “những điều không phải” từ trường học, từ người lớn hoặc qua chúng bạn mà nói tục, chửi bậy là điều dễ thấy nhất...

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là phần việc liên quan tới nhiều ngành, nhiều cấp và các địa phương, nhưng ngành Giáo dục giữ vai trò quan trọng đặc biệt. Năm nay, trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề nghị các địa phương tập trung thực hiện nghiêm kỷ cương, nền nếp, dân chủ, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng ứng xử văn hóa cho học sinh, sinh viên... Tại Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhắc nhở đội ngũ nhà giáo quan tâm chuyển mạnh từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất học sinh, gắn học với hành để tạo nên nguồn lực con người đủ mạnh trong tương lai…

Định hướng, mục tiêu, giải pháp cơ bản về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được cụ thể hóa qua kế hoạch, chương trình hành động, là vấn đề mang tính dài hạn. Nhưng những giải pháp đó cần được thể hiện trong các nhà trường, thấm tới từng giáo viên, cán bộ giáo dục và biến thành hành động thực chất ở mọi lúc, mọi nơi, là vấn đề nên được xác định ở mỗi đầu năm học mới. Đó là nơi cho con người, từ tấm bé, cả kiến thức và cơ sở hình thành nhân cách, ý thức trách nhiệm công dân. Thành người tốt, ứng xử văn minh và có trách nhiệm, phát triển toàn diện hay ngược lại, chắc chắn một phần lớn phụ thuộc vào quá trình dạy dỗ của các thầy cô.

Bởi vậy, năm học này, sau tiếng trống khai trường chắc chắn phải là những giờ học, giờ dạy thực chất. Những băn khoăn, nỗi lo “ngoài giáo dục” cần phải được dẹp bỏ để những chủ nhân tương lai của đất nước chuyên tâm học hành thực chất, trở thành người thực tài. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới thực chất, hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.