Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất lượng là ưu tiên hàng đầu

Minh Thúy| 03/01/2019 06:35

(HNM) - Xuất khẩu lao động được xem là thị trường tiềm năng khi mỗi năm giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động và mang về cho đất nước một nguồn ngoại tệ không nhỏ. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở lớn, trong đó có việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...


Nhiều năm qua, xuất khẩu lao động đã trở thành lựa chọn của không ít người bởi đó là con đường mang lại thu nhập cao, là môi trường người lao động được rèn giũa mang tính chuyên nghiệp. Không chỉ vậy, xuất khẩu lao động có ý nghĩa lớn về đào tạo, nâng cao tay nghề, thay đổi tác phong công nghiệp cho người lao động. Với bản tính chăm chỉ, cần cù, lao động Việt Nam được nhiều nước ưa chuộng. Song, đã đến lúc chúng ta không chỉ dựa vào lợi thế lao động phổ thông giá rẻ, mà phải nâng cao chất lượng và cao hơn là nâng vị thế, uy tín của thị trường lao động Việt Nam trên trường quốc tế.

Thực tế cho thấy, chất lượng lao động của Việt Nam chưa cao, ngành nghề đào tạo còn bất cập; kỷ luật lao động chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình sản xuất công nghiệp. Chưa kể, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, tỷ lệ lao động trong độ tuổi qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao…

Hiện nay, ngoài những thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, nhiều thị trường tiềm năng có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn với nhiều ngành nghề mới mà lao động Việt Nam cũng có thể đáp ứng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức...

Tuy nhiên, cơ hội này sẽ không tới nếu chúng ta không biết nắm thời cơ bởi các đối tác ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, tay nghề của người lao động. Để có thể nâng cao giá trị xuất khẩu lao động, chúng ta cần chuyên nghiệp hóa ở rất nhiều khâu. Trong đó, dù trong ngắn hạn hay dài hạn thì bài toán về nâng cao chất lượng lao động và việc làm ở Việt Nam luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Với nhiều thuận lợi đang ở phía trước, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn phải xác định là một giải pháp lâu dài, phù hợp với nguồn cung trong nước cũng như nhu cầu tuyển dụng lao động của nước ngoài. Muốn vậy, chiến lược về xuất khẩu lao động phải rõ lộ trình, rõ thị trường và rõ cả ngành nghề, từ đó hình thành khung chương trình đào tạo nghề với những lựa chọn nhất định.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tạo cơ chế để gắn kết hơn nữa công tác đào tạo với thị trường lao động, có sự tham gia của doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề. Ưu tiên hoạt động kết nối doanh nghiệp xuất khẩu lao động với các trường dạy nghề để tuyển chọn và đào tạo lao động sát yêu cầu. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đưa lao động Việt Nam tham gia vào các dự án để người lao động được cọ xát, nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm.

Hướng tới một nguồn cung tốt, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động nên đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác đào tạo để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường khó tính. Không chỉ vậy, người lao động cần được đào tạo về các kỹ năng mềm, thông thạo ngoại ngữ, có sức khỏe và ý thức tổ chức kỷ luật cao...

Một điều không kém phần quan trọng nữa là các cơ quan chức năng cần chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động để thị trường này thật sự trong sạch, bảo đảm được quyền lợi của người lao động, doanh nghiệp xuất khẩu cũng như đơn vị tiếp nhận lao động ở nước ngoài. Khi chất lượng được đặt lên hàng đầu thì xuất khẩu lao động sẽ hiệu quả, uy tín của thị trường lao động Việt Nam sẽ được nâng tầm. Đó cũng là nền móng để xuất khẩu lao động sẽ phát triển mạnh và bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng là ưu tiên hàng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.