Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch xanh bền vững

Minh Thúy| 28/03/2019 06:40

(HNM) - Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2019 mang chủ đề


Thực tế, tại hội chợ, ngoài việc cung ứng những tour truyền thống giá rẻ, có chất lượng, các doanh nghiệp, du khách đã cùng nhau chia sẻ tầm nhìn, cách tiếp cận mới về "Du lịch xanh". Theo đó, không chỉ có sự hưởng thụ dịch vụ, cả doanh nghiệp lữ hành và du khách đều cùng hướng tới việc bảo vệ môi trường, bảo vệ danh thắng, khai thác điểm đến bền vững.

Bởi lẽ, cơ hội bao giờ cũng đi cùng thách thức. Sự phát triển "nóng" của ngành Du lịch đã là con dao hai lưỡi kéo theo nhiều hệ lụy xấu. Do đó, với tầm nhìn mới, du lịch và môi trường phải là hai bộ phận không thể tách rời; môi trường tốt là bàn đạp cho du lịch phát triển chất lượng.

Ý thức được vấn đề này, nhiều công ty lữ hành đã kêu gọi du khách bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực, như đề nghị khách không xả rác nơi công cộng, hạn chế sử dụng túi ni lông; không tác động làm hư hại di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh...

Du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế đem lại nhiều lợi nhuận, do đó, chất lượng và vấn đề phát triển bền vững phải trở thành mục tiêu lớn nhất. Thay vì chạy theo số lượng, ngành Du lịch đang chú trọng tới chất lượng, với mục tiêu là hướng đến "Du lịch xanh".

Theo xu hướng chung, khách du lịch sẽ đòi hỏi ngày càng cao về các tiêu chí, đặc biệt là vấn đề môi trường. Do đó, trong khai thác du lịch, các cơ quan quản lý phải luôn nhấn mạnh vấn đề bảo vệ môi trường và duy trì hệ sinh thái tự nhiên vốn có tại các điểm đến du lịch. Việc bảo vệ môi trường phải trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch, các đề án, chiến lược phát triển du lịch của mỗi địa phương.

Với cơ quan quản lý nhà nước, việc xây dựng quy hoạch, cho phép triển khai dự án liên quan đến du lịch phải bảo đảm tầm nhìn dài hạn về yếu tố bảo vệ môi trường. Công tác quy hoạch phát triển các khu du lịch phải khoa học, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp; tránh tình trạng quy hoạch thiếu đồng bộ, chồng chéo, gây khó khăn cho công tác quản lý nói chung, quản lý môi trường nói riêng...

Thực tế cho thấy, các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, homestay... đều gắn chặt với yếu tố môi trường. Do vậy, phát triển sinh kế cho người dân cũng là cách góp phần bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Bên cạnh đó, việc tăng cường năng lực quản lý môi trường trong các khu du lịch, khu bảo tồn, phân công thống nhất đầu mối quản lý các khu bảo tồn, vườn quốc gia… cũng cần được chú trọng. Cần có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị quản lý các khu bảo tồn và vườn quốc gia, các cơ quan hành chính, các công ty du lịch cũng như đại diện người dân địa phương. Các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường trong kinh doanh dịch vụ du lịch…

"Du lịch xanh" chắc chắn sẽ không chỉ là việc cần hướng đến trong mùa du lịch năm 2019, mà là thông điệp xuyên suốt vì sự phát triển bền vững của ngành "công nghiệp không khói".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch xanh bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.