Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ý thức là quan trọng

Đình Hiệp| 16/04/2019 06:36

(HNM) - Một thông tin khiến nhiều người không khỏi âu lo là trong số hơn 480 chợ trên địa bàn thành phố có đến 80% không bảo đảm các tiêu chí về phòng cháy, chữa cháy. Mặc dù lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cùng với các đơn vị chức năng của thành phố đã kiểm tra, chỉ rõ những tồn tại cần khắc phục, song không phải chợ nào cũng đủ điều kiện về mặt bằng, kết cấu kỹ thuật...


Đa phần chỉ có thể đầu tư, sửa chữa nhỏ, sắp xếp lại vị trí ngành hàng kinh doanh, tổ chức tuyên truyền, tập huấn... với chủ trương nâng ý thức tự phòng ngừa là chính.

Chợ là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ, trong đó chủ yếu là do tập kết nhiều hàng hóa, vật liệu dễ cháy. Trong khi nhiều bà con tiểu thương còn tâm lý chủ quan, bố trí, sắp xếp hàng hóa cồng kềnh cản trở hành lang giao thông, lối thoát nạn, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Cùng với đó, do xây dựng đã lâu nên hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện cũng thường không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Thậm chí, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có nơi còn xảy ra tình trạng hộ kinh doanh câu móc điện bừa bãi; đun nấu ngay tại ki ốt, sạp hàng... Và điển hình hơn cả là tình trạng thắp hương, đốt vàng mã...

Tất cả những tồn tại trên là nguyên nhân khiến công tác phòng cháy, chữa cháy tại các chợ trên địa bàn Hà Nội chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Để công tác phòng cháy, chữa cháy tại các chợ trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND thành phố về “Quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực”, thực tế vẫn còn nhiều việc phải làm.

Trước hết, các cơ quan chức năng vẫn cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại tất cả chợ trên địa bàn và ban quản lý các chợ phải tuân thủ nghiêm túc yêu cầu của cơ quan chức năng. Có những việc phải làm ngay và thường xuyên là bố trí, sắp xếp ngành hàng, bày bán hàng hóa gọn gàng, không lấn chiếm lối đi chung, cản trở khu vực để thiết bị cứu hỏa; tuyệt đối không thắp hương, đốt vàng mã; sử dụng thiết bị điện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, tắt thiết bị điện khi ra về; bổ sung các thiết bị và hướng dẫn sử dụng thiết bị chữa cháy như bình bột, bình bọt...

Đương nhiên, về lâu dài để khắc phục triệt để nguy cơ cháy nổ và những tồn tại trong phòng cháy, chữa cháy ở các chợ không có cách nào khác là phải đầu tư sửa chữa, nâng cấp, thậm chí phải xây mới lại các chợ, trong đó có đầy đủ thiết kế hệ thống chữa cháy theo đúng quy định. Trong khi đang chờ bố trí nguồn vốn, xây dựng cơ chế thu hút đầu tư, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý chợ và các hộ kinh doanh về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Đối với những chợ có nguy cơ cháy nổ cao, kiên quyết yêu cầu tạm dừng kinh doanh, đến khi đơn vị quản lý, khai thác chợ khắc phục xong các tồn tại theo kiến nghị của cơ quan chức năng, mới cho phép hoạt động trở lại.

Hỏa hoạn là điều không ai mong muốn và thường xảy ra bất ngờ. Với các chợ khi xảy cháy, thường thiệt hại rất lớn, không ai khác các tiểu thương là người phải gánh chịu. Vì vậy, hơn ai hết bà con tiểu thương phải có ý thức cao trong việc phòng chống cháy, nổ ở nơi mình kinh doanh để bảo vệ tài sản, thậm chí là sức khỏe, tính mạng của chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý thức là quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.