Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xu thế không thể đảo ngược

Duy Biên| 18/05/2019 06:18

(HNM) - Đẩy mạnh tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng rõ nét trên thế giới hiện nay. Tại Việt Nam, phương thức này cũng đang được khuyến khích. Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, hình thức thanh toán từ tiền mặt sang thanh toán phi tiền mặt của doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng nhờ sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian.

Thực tế cho thấy, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Rõ nhất là đối với người tiêu dùng, phương thức thanh toán này nhanh chóng, an toàn, giúp tránh được các rủi ro khi sử dụng tiền mặt như mất cắp, rách, mất góc... Còn đối với nền kinh tế, thanh toán không dùng tiền mặt còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát và minh bạch các giao dịch tài chính, hạn chế tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế, tham nhũng, rửa tiền; giảm chi phí in ấn, thay tiền cũ, rách nát…

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, mặc dù hiện nay đã có nhiều phương thức thanh toán như chuyển khoản qua ngân hàng, dùng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng rồi các ứng dụng khác dùng cho ví điện tử, thế nhưng những phương thức này vẫn chưa được phổ biến và dùng một cách rộng rãi tại nước ta. Việc sử dụng tiền mặt chiếm đến 90% chi tiêu, 99% cho các mặt hàng dưới 100.000 đồng, gần 85% giao dịch tại ATM là rút tiền.

Nguyên nhân là người dân vẫn giữ thói quen tiêu dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, người bán sản phẩm, dịch vụ hay các cửa hàng nhỏ cũng không có thói quen thanh toán điện tử. Ngoài ra, một điểm yếu của hệ thống tài chính phi tiền mặt khiến người dân chưa thực sự yên tâm khi sử dụng dịch vụ, đó chính là dễ bị tin tặc tấn công và đánh sập.

Thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm và có những giải pháp quyết liệt, chiến lược để thúc đẩy thanh toán không sử dụng tiền mặt thật sự có những bước chuyển biến mạnh mẽ tại Việt Nam. Cụ thể, theo Quyết định số 2545/2016/QĐ-TTg ngày 30-12-2016 của Chính phủ, mục tiêu là đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% và đến cuối năm 2025, tỷ trọng này dưới 8%...

Để việc thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến đòi hỏi phải có sự phối kết hợp đồng bộ từ người tiêu dùng, đến chủ thể cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, trước tiên trong các chính sách của Nhà nước, cần thu hẹp lại nhóm đối tượng dùng thanh toán tiền mặt. Chẳng hạn, tất cả các khoản chi ngân sách, các khoản thanh toán của doanh nghiệp không được dùng tiền mặt… Bên cạnh các quy định thì cần có những chế tài, đồng thời cũng phải có cơ sở hạ tầng tiện lợi với những giải pháp công nghệ để bảo đảm an toàn, an ninh trong hệ thống hoạt động của phương thức thanh toán điện tử.

Cùng với đó, tiếp tục phát triển nâng cao thanh toán nội bộ của từng ngân hàng thương mại, tạo sự chuyển biến rõ nét bằng việc mang lại nhiều sản phẩm dịch vụ gia tăng tiện ích cho khách hàng, từ đó, mới có thể khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, giải pháp quan trọng khác là thay đổi thói quen tiêu tiền mặt của người dân thông qua việc đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa tiêu dùng, chi tiêu không dùng tiền mặt. Đồng thời chú trọng nâng cao hiểu biết của người dùng dịch vụ trong việc sử dụng giao dịch một cách an toàn với thẻ và ngân hàng điện tử.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt là một bước đi hướng đến phát triển chính phủ điện tử. Đây cũng là xu thế không thể đảo ngược trong quá trình Việt Nam hội nhập và phát triển. Do vậy rất cần sự nỗ lực, quyết tâm hơn nữa của các cấp, các ngành trong việc xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh, an toàn, tạo sự yên tâm, tin tưởng tuyệt đối từ phía người sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu thế không thể đảo ngược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.