Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng lòng hoàn thành nhiệm vụ bứt phá

Minh Thúy| 03/07/2019 06:51

(HNM) - 1/2 chặng đường của năm 2019 đã đi qua và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội được đánh giá trọn vẹn trên tất cả các mặt; đặc biệt tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,21%, cao hơn cùng kỳ năm 2018 (tăng 7,15%). Những điểm sáng của nền kinh tế Thủ đô có thể kể đến là công nghiệp chủ lực tiếp tục tăng trưởng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục dẫn đầu cả nước với số vốn ước đạt 5,416 tỷ USD…

Kết quả trên đến từ sự cố gắng của cả hệ thống chính trị thành phố khi đã nỗ lực ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm để triển khai các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và thành phố về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội. Quan trọng hơn, để biến chủ trương thành hiện thực, thành phố đã chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường đối thoại, lắng nghe để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp…

Tuy nhiên, một số lĩnh vực có dấu hiệu phát triển chững lại; một số chỉ tiêu vẫn duy trì tăng trưởng khá nhưng đạt thấp hơn cùng kỳ năm 2018… Trong khi đó, số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động cũng tăng lần lượt là 45% và 36% so với cùng kỳ năm trước…

Như vậy, trong đà phát triển chung vẫn tiềm ẩn những nguy cơ có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của năm 2019, việc tập trung thực hiện 76 nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình hành động số 12/CTr-UBND của UBND thành phố là quan trọng nhất mà các cấp, ngành phải triển khai. Và để đạt kết quả như mong đợi, đòi hỏi phải có hành động thiết thực để hướng đến sự chuyển biến thực chất.

Cụ thể, đó là việc phải tiếp tục nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền (SIPAS). Cùng với đó là việc đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, từng bước xây dựng chính quyền điện tử…

Thực hiện những việc này là nhằm bồi đắp nền tảng vững chắc để dựng xây một chính quyền phục vụ, vì dân, vì sự phát triển của cộng đồng.

Trên tinh thần ấy, mọi giải pháp phải biến thành hành động. Theo đó, nhiệm vụ cấp bách là phải tiếp tục có những việc làm cụ thể để dập tắt sự lây lan của bệnh Dịch tả lợn châu Phi, ổn định nguồn cung thực phẩm và bảo đảm sự phát triển cân đối, bền vững ngành chăn nuôi của thành phố.

Song song với đó là hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; tìm cơ chế, chính sách phù hợp để hạn chế thấp nhất số doanh nghiệp phải giải thể, dừng hoạt động. Và với sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cần có sự chọn lọc để tạo nguồn xung lực bổ sung cho nền kinh tế Thủ đô…

Là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước, là địa phương có vị thế, vai trò động lực trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hà Nội đã, đang làm tốt nhiệm vụ định hướng, dẫn dắt. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục phát huy thế mạnh, Hà Nội sẽ tập trung phát triển, đột phá vào những lĩnh vực khó và mới như: Phát triển sản xuất theo chuỗi, công nghệ cao, tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giàu sức cạnh tranh…

Để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của năm 2019 và những năm tiếp theo, chủ đề "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị" cần được thực hiện quyết liệt hơn nữa trong mỗi cơ quan, đơn vị. Khi có sự đồng lòng thực hiện, kết quả tăng trưởng của năm 2019 sẽ góp phần hoàn thành nhiệm vụ bứt phá cho cả giai đoạn 2015-2020, tạo thế đi lên vững chắc cho Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng lòng hoàn thành nhiệm vụ bứt phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.