Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận thức đúng để hạn chế rủi ro

Mai Lâm| 08/07/2019 06:50

(HNM) - Ngày 30-6-2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Đây là thông tin được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi sẽ mở ra những cơ hội rất lớn cho hàng hóa Việt Nam vào châu Âu, trong đó không thể không kể tới các sản phẩm nông nghiệp, một trong những thế mạnh của nước ta.


Tuy vậy, cơ hội luôn đi kèm thách thức và không phải cứ hội nhập, ký kết là sẽ thu lợi. Để phát huy được lợi thế, cần thiết phải thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu của đối tác, đặc biệt là về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ, rủi ro tiềm ẩn vì vậy cũng cao hơn. Bên cạnh sự nỗ lực của nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, rất cần sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, điều mà chính các nước phát triển cũng luôn quan tâm.

Bốn ngày trước khi ký EVFTA và EVIPA, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Theo đó, mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo là 90%; với cá nhân sản xuất nông nghiệp khác là 20%; với tổ chức sản xuất nông nghiệp đáp ứng các điều kiện cụ thể về hợp tác, liên kết, quy mô lớn có ứng dụng công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường là 20%. Có thể nói, đây là nguồn lực tiếp đà phát triển hết sức cần thiết và đúng lúc.

Vấn đề là các cơ quan chức năng và các hộ, tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp sẽ vận dụng, triển khai, thực hiện thế nào?

Bởi lẽ, không phải đến bây giờ, chính sách bảo hiểm nông nghiệp mới được triển khai thực hiện ở nước ta. Cách đây hơn 8 năm, ngày 1-3-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, có 304.017 hộ nông dân/tổ chức tham gia bảo hiểm nông nghiệp, trong đó có 233.361 hộ nghèo (chiếm 76,8%), 45.944 hộ cận nghèo (chiếm 15,1%), 24.711 hộ thường (chiếm 8,1%), 1 tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng; tổng doanh thu phí bảo hiểm là 394.000 triệu đồng; tổng số tiền đã giải quyết bồi thường bảo hiểm là hơn 700 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm là 178,1%.

Trên cơ sở tổng kết thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg, tổng hợp ý kiến đề xuất của các địa phương, các bộ, ngành liên quan đã xây dựng, trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, góp phần hỗ trợ tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro (thiên tai, dịch bệnh) xảy ra trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, do tính chất rủi ro cao của sản xuất nông nghiệp, việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách đúng đắn trên còn gặp không ít khó khăn. Một phần do nhận thức, điều kiện hạn chế của người dân, một phần cũng do sự thiếu mặn mà của doanh nghiệp bảo hiểm bởi diện bao phủ quá rộng, rủi ro thiên tai, bệnh dịch cao, nhất là khi biến đổi khí hậu diễn biến khó lường.

Các con số thống kê 3 năm thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg đã phần nào nói lên điều đó khi số hộ nghèo và cận nghèo chiếm phần lớn. Số hộ, doanh nghiệp thực sự đầu tư, sản xuất bài bản tham gia quá thấp. Điều đó khiến một chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển chưa phát huy đúng ý nghĩa mà mang tính chất bảo đảm an sinh xã hội nhiều hơn. 

Tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có thể hưởng lợi thế lớn về thuế quan từ các nước phát triển, nhưng sẽ phải đối mặt với đòi hỏi khắt khe, kỹ càng hơn từ hàng rào tiêu chuẩn, chất lượng. Như vậy, bên cạnh những rủi ro truyền thống về thiên tai, bệnh dịch, sẽ có thêm cả rủi ro hội nhập.

Để hạn chế, giảm bớt rủi ro, cùng với thay đổi tư duy, tập quán canh tác, sản xuất hàng hóa quy mô lớn để dễ dàng kiểm soát chất lượng, việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp là cần thiết. Bởi đích đến của bảo hiểm nông nghiệp là nhằm ổn định sản xuất và đời sống, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; tạo ý thức và thói quen tuân thủ quy trình sản xuất, canh tác…

Mục đích, ý nghĩa rất rõ, nhưng để đưa chính sách đầy nhân văn này vào cuộc sống, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng phải có nhận thức đúng, tiên phong, tích cực vào cuộc trong công tác tuyên truyền, vận động và xây dựng chính sách cụ thể hóa dễ tiếp cận, dễ thực hiện.

Khi người dân, doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích của bảo hiểm nông nghiệp, hiểu rõ mục đích, có sự tin tưởng, chắc chắn sẽ chủ động tham gia để tự bảo vệ mình, hạn chế rủi ro không mong muốn, từ đó đóng góp nhiều hơn vào công cuộc hội nhập, phát triển của đất nước.

Bảo hiểm nông nghiệp cần được hiểu và thực hiện như một chính sách hỗ trợ phát triển chứ không phải an sinh xã hội. Hiểu đúng, sẽ có cách tiếp cận đúng, thực hiện đúng và rủi ro sẽ lùi xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận thức đúng để hạn chế rủi ro

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.