Theo dõi Báo Hànộimới trên

Yêu cầu cấp thiết

Minh Thúy| 14/07/2019 06:22

(HNM) - Thời gian qua, nhiều bất cập đối với các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng lộ rõ. Có thể kể đến như các vụ cháy chợ Quang ở huyện Thanh Trì ngày 31-3 hay chợ Sóc Sơn ngày 21-6 (cùng trong năm 2018). Nổi cộm gần đây nhất còn phải kể đến vụ “cưỡng đoạt tài sản” xảy ra ở chợ Long Biên... Không chỉ thế, sự xập xệ, nhếch nhác ở nhiều chợ đã gây mất vệ sinh môi trường, không bảo đảm an toàn thực phẩm...

Trong khi nhiều chợ truyền thống vẫn loay hoay trong cái “vỏ” cũ có không ít hạn chế, thì các mô hình trung tâm thương mại xuất hiện ngày càng đa dạng... Tuy nhiên, hệ thống chợ vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, là không gian chung gắn kết cộng đồng... Điều đó có nghĩa, chợ có đời sống riêng của nó và sẽ còn tồn tại song hành cùng sự phát triển của xã hội hiện đại.

Có điều, với một xã hội văn minh, các chợ truyền thống buộc phải có những thay đổi để tồn tại và phát triển cân bằng với hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ... Do đó, hệ thống chợ truyền thống phải được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng và có phương thức quản lý phù hợp.

Tuy nhiên, với nhiều chợ hiện nay, cả hai tiêu chí này đều gặp trở ngại bởi tiểu thương chưa chấp thuận với mô hình quản lý mới do có thêm nhiều ràng buộc và tăng chi phí; doanh nghiệp không muốn đầu tư vì lợi nhuận thấp, lâu thu hồi vốn...

Thực tiễn trên đặt ra yêu cầu cùng với bảo tồn các chợ truyền thống, thì việc chuyển đổi mô hình cho phù hợp xu thế phát triển hiện nay là tất yếu và rất cấp thiết.

Trên tinh thần đó, thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, cải tạo, đồng thời chuyển đổi mô hình quản lý chợ... Định hướng này cần được các cấp, ngành, địa phương tiếp tục triển khai với trách nhiệm cao hơn, qua đó tìm được tiếng nói đồng thuận giữa người dân, doanh nghiệp, tiểu thương trong quản lý và chuyển đổi mô hình chợ truyền thống.

Trong đó, với những chợ đã xuống cấp, việc đầu tư, cải tạo là điều tất yếu. Song, với những vướng mắc hiện hữu, thì việc có một cơ chế, chính sách thuận lợi, cùng những ưu đãi, hỗ trợ ở mức tối đa sẽ là cú hích để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Nhưng, chỉ sự nỗ lực, hỗ trợ từ cơ quan chức năng, địa phương là chưa đủ, mà mỗi tiểu thương cần ý thức hơn về trách nhiệm đóng góp với sự phát triển của chợ. Bởi đó là sự đóng góp cho tương lai, cho sinh kế dài lâu của chính họ.

Về phía doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc các tổ chức, cá nhân đã và sẽ đầu tư trong lĩnh vực này, cần đồng hành với thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm việc đầu tư, cải tạo hệ thống chợ truyền thống một cách đồng bộ, văn minh, vận hành hiệu quả. Muốn vậy, nhà đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương thực hiện việc xây dựng, cải tạo chợ trên cơ sở quy hoạch, bảo đảm đúng nhu cầu ở từng nơi.

Cụ thể hơn, việc nâng tầm các chợ phải gồm cả việc hiện đại hóa cơ sở vật chất và chuyển đổi mô hình quản lý chợ hiệu quả. Theo đó, các chợ phải được xây dựng và cải tạo theo hướng phù hợp với văn hóa, tập tục vùng, miền; bảo đảm nghiêm ngặt về phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm... Các ban quản lý chợ cũng phải có cách thức làm việc chuyên nghiệp, minh bạch, đúng quy định pháp luật. Bởi, khi tiểu thương nhận thấy quyền lợi được bảo vệ, kinh doanh hiệu quả thì họ sẽ đồng hành, đồng thuận thay đổi cả “vỏ” và “ruột” của chợ truyền thống.

Khi chợ truyền thống được nâng tầm sẽ đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện đại, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yêu cầu cấp thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.