Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bền bỉ và nghiêm minh

Hà An| 15/07/2019 06:29

(HNM) - Gần 4 năm trước, khi Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg ngày 9-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, nhằm thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta đều kỳ vọng mô hình này sẽ tạo ra bước chuyển trên "mặt trận" an toàn thực phẩm.

Thực tế, tại Hà Nội sau khi thực hiện quyết định trên, những chuyển động trong hoạt động thanh tra cũng như trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm đã đạt được những kết quả khá rõ nét. Hàng nghìn cơ sở tại 10 xã, phường (thuộc 5 quận, huyện) đã được “soi” chất lượng an toàn thực phẩm qua con mắt nghiệp vụ của hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua đây, hàng trăm cơ sở vi phạm bị phát hiện, xử phạt. Đáng nói, cả số cơ sở bị phạt tiền và tổng số tiền phạt từ khi thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm đều tăng trên 200% so với trước đó…

Nêu một vài con số như trên để thấy, bước đầu việc áp dụng mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở địa bàn sản xuất, tiêu thụ thực phẩm lớn như Hà Nội đã rõ tính khả thi. 

Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của hoạt động thanh tra không chỉ dừng ở con số cơ sở, hay số tiền xử phạt. Lâu dài, hoạt động này, mô hình này phải chạm tới khả năng hạn chế tối đa vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, tạo ra môi trường hoạt động kinh doanh thực phẩm thực sự tôn trọng luật pháp, lành mạnh.

Muốn như vậy, hoạt động thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm phải đáp ứng hai yêu cầu: Đủ nghiêm minh và đủ bền bỉ!

Thực vậy, an toàn thực phẩm là "mặt trận" tiềm ẩn nhiều phức tạp, đối tượng được thanh tra, kiểm tra thì lớn, nhiều biến động…  

Thanh tra chuyên ngành - lực lượng kỳ vọng góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, thực tế lại đang đối diện với nhiều khó khăn. Đó là, thiếu nhân lực; chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu; tình trạng nể nang trong xử lý vi phạm phổ biến ở lực lượng thanh tra tuyến xã, phường…

Để hạn chế tối đa những tồn tại trên, thực hiện thành công việc mở rộng thí điểm thanh tra từ ngày 10-7-2019 đến 10-7-2020 tại tất cả quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn của Hà Nội, hoạt động của mô hình này cần tiếp tục có những điều chỉnh quan trọng, cơ bản.

Trước hết, không ngừng thực hiện song song việc lựa chọn thanh tra viên đúng yêu cầu, kết hợp đào tạo nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ để mỗi quyết định xử phạt vi phạm phải đúng người, đúng hành vi, thuyết phục.

Hơn 3.000 thanh tra viên được thành phố bồi dưỡng nghiệp vụ trong hơn 6 tháng qua, sau một thời gian hoạt động cũng cần được đánh giá, ghi nhận kết quả, rút kinh nghiệm để bảo đảm duy trì lực lượng bền bỉ, hiệu quả.

Chính quyền cơ sở có trách nhiệm trong việc tạo điều kiện giúp các thanh tra viên hoàn thành nhiệm vụ, định hướng hoạt động này có trọng tâm, trọng điểm qua việc rà soát, chỉ ra địa bàn, cơ sở nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm để tổ chức thanh tra (cả định kỳ và đột xuất).

Đặc biệt, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn và mỗi người dân thành phố có thể góp phần giúp hoạt động thanh tra hiệu quả nhờ việc cung cấp thông tin, giám sát hoạt động này.

An toàn thực phẩm là vấn đề chung, nóng bỏng hiện nay của cả cộng đồng. Tạo dựng thành công mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm theo hướng bền bỉ, nghiêm minh cũng có nghĩa là tạo dựng một rào chắn hiệu quả ngăn ngừa thực phẩm “bẩn”, giữ môi trường an toàn cho xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bền bỉ và nghiêm minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.