Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đến phát triển bền vững

Duy Biên| 24/07/2019 06:21

(HNM) - Trong những năm gần đây, các mô hình kinh tế trang trại của Hà Nội tiếp tục phát triển về cả lượng và chất, tạo việc làm ổn định với thu nhập khá cho nhiều lao động nông thôn. Đặc biệt, kinh tế trang trại đã làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế của một bộ phận nông dân, giúp họ chủ động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng thị trường… từ đó hình thành một lực lượng lao động mới năng động hơn ở khu vực nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, các mô hình phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn thành phố đang bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Trong đó, một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là vì thiếu vốn nên nhiều trang trại chưa đủ nguồn lực đầu tư theo chiều sâu và không đồng bộ về hạ tầng, quy mô sản xuất. Nguyên nhân là do nhiều tổ chức tín dụng chưa thực sự quan tâm, đánh giá đúng mức thị trường cho vay.

Một rào cản nữa ở chính nội tại các trang trại, đó là các điều kiện cơ sở hạ tầng, đất đai, sản phẩm... để ngân hàng có cơ sở cho vay lại chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể hơn là công tác quy hoạch chưa rõ nét nên quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khó thu hút đầu tư. Mặt khác, thời hạn giao đất, cho thuê đất, đấu thầu còn ngắn; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện chậm hoặc chính chủ trang trại chưa quan tâm... Từ những bất cập, khó khăn này dẫn đến cung - cầu nguồn vốn vay cho hệ thống trang trại phát triển chưa đúng mức, thậm chí ở nhiều trường hợp hai bên khó "gặp" được nhau.

Hà Nội hiện có 3.066 trang trại trồng trọt, chăn nuôi, là một trong những địa phương có số lượng trang trại lớn nhất cả nước. Để phát triển bền vững kinh tế trang trại, cùng với nhiệm vụ thực hiện tốt công tác quy hoạch, các ngành chức năng và địa phương cần phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những khó khăn nội tại, tạo điều kiện thuận lợi trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Các tổ chức tín dụng tại địa phương cần quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, một trong những “kênh” quan trọng hàng đầu cần phát huy để giúp nguồn vốn vay đến với nông dân có hiệu quả chính là các khâu giới thiệu, bảo lãnh của chính quyền địa phương.

Về phía các ngân hàng, trên cơ sở các chính sách, quy định của Nhà nước về cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, kinh tế trang trại nói riêng, cần nghiên cứu, triển khai thực hiện các thủ tục vay vốn đơn giản, hợp lý, có sự ưu tiên và có thể thế chấp bằng các công trình đầu tư trên đất như thiết bị chuồng trại, nhà lưới, nhà màng… Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các chính sách cho vay với nguồn vốn cao hơn, phù hợp hơn đối với các trang trại đạt hiệu quả kinh tế cao để những mô hình này có điều kiện mở rộng sản xuất.

Về phía các chủ đầu tư, phải xây dựng phương án sản xuất kinh doanh chi tiết, cụ thể, hiệu quả cũng như tập trung thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại để đáp ứng đủ điều kiện tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.

Có nguồn vốn để đầu tư ổn định, cùng với nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh và đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ là "chìa khóa" cho các trang trại phát triển, cung cấp nhiều sản phẩm bảo đảm chất lượng ra thị trường, qua đó hướng đến phát triển hiệu quả, bền vững. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.