Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm và đạo đức

Tuấn Kiệt| 30/07/2019 06:21

(HNM) - Thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay đang là nỗi lo thường trực của cộng đồng, là vấn đề thời sự được người dân đặc biệt quan tâm. Trong đó, tình trạng ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, nhất là trong các khu công nghiệp, đang là vấn đề nhức nhối. Dù các cơ quan quản lý đã có nhiều giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhưng với một vấn đề mang tính xã hội rộng lớn thì mấu chốt hóa giải là trách nhiệm và đạo đức từ phía người kinh doanh.

Qua nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các bếp ăn tập thể cho thấy nguyên nhân chủ yếu là do thực hiện chưa đúng các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt là nguồn gốc nguyên liệu chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, nhận thức của nhà cung ứng nguyên liệu và người chế biến còn hạn chế; thậm chí vì lợi nhuận, các nhà sản xuất kinh doanh trà trộn thực phẩm mất an toàn với các sản phẩm khác dẫn đến nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng.

Có thể nói, thực trạng này sẽ khó giải quyết trong một sớm một chiều mà đòi hỏi có sự kiên trì, bền bỉ. Thực tế cũng không thể đưa ra một giải pháp cùng lúc giải quyết được tất cả vấn đề mà cần có đồng bộ nhiều giải pháp đi sâu vào từng khía cạnh, tiến tới giải quyết triệt để tồn tại. Trong đó, các cơ quan quản lý cần tích cực thực hiện giám sát các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm; kiểm tra thường xuyên và truy xuất tận cùng nguồn gốc những mẫu sản phẩm vi phạm. Đồng thời, liên ngành Y tế, Công an, Công Thương… cần phối hợp chặt chẽ triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn vi phạm về an toàn thực phẩm; công khai danh sách sản phẩm, đơn vị, cá nhân sai phạm và xử lý nghiêm để răn đe.

Nhưng, mấu chốt để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm ở các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, chế xuất mang tính bền vững vẫn là ý thức của đơn vị cung ứng dịch vụ bếp ăn và đơn vị sử dụng lao động, bởi mọi lưới lọc đều có thể bị “chọc thủng” nếu người kinh doanh cố tình gian dối. Khi ấy, những giấy tờ, mẫu mã cũng không bảo đảm phản ánh chính xác được độ an toàn của thực phẩm. Chỉ có lương tâm, trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm và chủ doanh nghiệp là yếu tố quyết định sự an toàn cho công nhân.

Như vậy, trách nhiệm của cơ quan chức năng không chỉ là tăng cường năng lực quản lý nhà nước mà còn phải làm thay đổi nhận thức tới từng đơn vị liên quan. Phải làm cho toàn xã hội nhận thức thật sâu sắc, đầy đủ về hậu quả của thực phẩm không an toàn. Đơn vị cung ứng thực phẩm, đơn vị kinh doanh dịch vụ bếp ăn tập thể nhận thức được việc không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là xâm phạm sức khỏe của người khác. Đề cao trách nhiệm về đạo đức, lương tâm, không thể vì lợi ích của mình mà bất chấp tất cả để sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Bên cạnh đó, cũng cần đề cao vai trò của đơn vị sử dụng lao động, phải chăm lo và nâng cao chất lượng bữa ăn của công nhân, coi sức khỏe người lao động là tài sản của doanh nghiệp. Quan tâm kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động bếp ăn tập thể, trong đó đặc biệt chú trọng đến cơ sở vật chất bếp ăn, nguồn thực phẩm đầu vào, nhân lực...; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và có quy định ràng buộc đơn vị cung ứng dịch vụ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với mỗi công nhân - là một chủ thể chính, hãy vì sức khỏe của chính mình, có ý thức trách nhiệm trong giám sát, nói không với suất ăn kém chất lượng và mạnh dạn tố giác những hành vi làm cho bữa ăn mất an toàn. Khi công tác kiểm tra, giám sát, trách nhiệm và lương tâm được thực hiện đúng thì mới không còn những bữa ăn mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm và đạo đức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.