Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mục đích duy nhất

Gia Khánh| 01/08/2019 06:23

(HNM) - Xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất là một trong những hình ảnh rõ nét nhất minh chứng sự đổi thay sau khi Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính cách đây đúng 11 năm. Mảnh đất bán sơn địa nằm ở cực Tây Hà Nội này trước thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, vốn là xã có nhiều khó khăn.

Quyết định điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô đã mang đến cho vùng miền núi nghèo này sinh lực mới. Hệ thống điện - đường - trường - trạm được đầu tư khang trang, người dân địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập bình quân đầu người tăng từ10 triệu đồng/năm (thời điểm trước khi hợp nhất về Thủ đô) lên 44 triệu đồng/năm như hiện nay. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 40% xuống chỉ còn khoảng 2%.

So sánh như vậy không có nghĩa nếu còn thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, xã Tiến Xuân không được đầu tư phát triển, nhưng rõ ràng khi trở thành "đất Thủ đô", Tiến Xuân cũng như nhiều xã nghèo khác có thêm điều kiện, nguồn lực đầu tư để phát triển.

Nhìn rộng hơn, quyết định điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội cách đây 11 năm đã mang đến những nguồn lực mới để Hà Nội phát triển. Diện tích đất đai rộng hơn là điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; nguồn tài nguyên và nhân lực dồi dào giúp gia tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh; sự hội tụ văn hóa là nền tảng quan trọng tạo thêm động lực để thúc đẩy Thủ đô phát triển bền vững...

Nói cách khác, việc thực hiện quyết định điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội từ ngày 1-8-2008 là một bước ngoặt trong lịch sử hình thành, phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Sau 11 năm, dù vẫn còn không ít khó khăn, hay phần việc còn dang dở nhưng những kết quả thực tế Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đạt được đã đáp ứng niềm tin, sự kỳ vọng mà Đảng, Quốc hội và nhân dân cả nước trao gửi.

Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Hà Nội đóng góp hơn 16% về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), hơn 19% về thu ngân sách, tiếp tục giữ vai trò đầu tàu kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Hà Nội cũng xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số cải cách hành chính (Par Index)...

Trong chặng đường trước mắt, Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục những bước tiến bài bản, vững chắc, nhưng với các mục tiêu ngày càng cao hơn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục đoàn kết, đồng lòng từ tư duy đến hành động, mà trước hết là kiên định, quyết tâm, nỗ lực thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, 8 chương trình công tác toàn khóa cùng 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá, và Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

Nhiệm vụ hàng đầu và mang tính lâu dài của Thủ đô là tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng nhanh và bền vững, trên cơ sở tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có kết hợp tối đa cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm đánh thức các nguồn lực, nhất là về đất đai, nhân lực..., đưa Thủ đô xứng đáng là trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Cùng với đó là quản lý chặt chẽ quá trình phát triển đô thị trên cơ sở tuân thủ các quy hoạch; bảo đảm kỷ cương và văn minh đô thị; bảo vệ môi trường sinh thái, từng bước phấn đấu trở thành đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp. Tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô đi đôi với xây dựng mới các thiết chế văn hóa; tạo bước chuyển biến mới trong xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh trên cơ sở thực hiện có hiệu quả hai quy tắc ứng xử của thành phố...

Tất cả đều hướng tới một mục tiêu duy nhất - thực sự đưa Hà Nội trở thành “Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mục đích duy nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.