Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ai cũng phải học

Ngân Vũ| 15/08/2019 10:47

(HNMCT) - Những ngày vừa qua thật nặng nề khi gần như cùng lúc xuất hiện nhiều thông tin xấu liên quan đến tính mạng trẻ em. Những cháu bé mới chập chững vào đời đã phải rời xa cuộc sống hoặc đối diện với viễn cảnh tàn tật. Có cháu tử vong khi tới trường, có bé ra đi khi cùng chúng bạn bơi lội và có những trẻ mẫu giáo bị bỏng nặng khi được các cô nuôi trẻ dạy kỹ năng sống...

Xem xét sự việc, có những vụ xảy ra do nguyên nhân có thể lường trước được nhưng cũng có những việc không ai ngờ tới. Tại sao lại dạy trẻ mầm non cách phòng, chống cháy khi ở tuổi đó, chúng có học thì cũng không thể hiểu bản chất vấn đề, ghi nhớ và lấy điều đã được “xem” làm hành trang cuộc sống sau này. Đó là điều không dễ hình dung là đã xảy ra trong môi trường sư phạm. Bởi thế, với những vụ việc đau lòng như thế này thì đầu tiên, cần phải xác định rằng lỗi thuộc về người lớn, ngay cả khi chúng ta có thể bất ngờ với cái cách mà sự việc diễn ra. Người lớn, đó có thể là cha mẹ, ông bà, anh chị và cũng có thể là thầy cô giáo, nhân viên bảo vệ, người lái xe chở học sinh, người tổ chức hoạt động sinh hoạt ngoại khóa của trẻ em, cô bảo mẫu... Mỗi người một việc, chỉ cần lơ là trách nhiệm là trẻ có thể đối diện với nguy hiểm.

Nhưng ngay cả khi chúng ta là người có trách nhiệm đối với việc dạy dỗ, chăm sóc trẻ thì nguy hiểm vẫn có thể xảy ra nếu người lớn thiếu kiến thức cần có, đơn giản bởi nếu không có kỹ năng tự bảo vệ chính mình thì làm sao có thể dạy trẻ những điều cần làm để sinh tồn, để sống an toàn. Trong thực tế, đã có nhiều người lớn tử vong vì ngủ trong xe ô tô mà không thực hiện biện pháp chống ngạt, bị thương vì sử dụng điện thoại khi đang sạc pin, bị ngộ độc vì ăn những thứ từng được cảnh báo rộng rãi là rất nguy hiểm nếu không biết cách chế biến... Lo cho mình còn không nổi, làm sao dạy dỗ và bảo vệ trẻ?

Bởi vậy, người lớn chúng ta cũng phải năng học hỏi, tự trang bị kiến thức cần có để bảo đảm cho cuộc sống của mình, giữ gia đình mình tránh xa vòng nguy hiểm, và cũng là để có cái mà truyền dạy cho trẻ nhỏ cách tự bảo vệ mình. Sự học rộng lớn, cố gắng trang bị kiến thức rồi còn phải biết dạy trẻ những gì, biết điều gì hợp với độ tuổi mẫu giáo, điều gì cần có cho trẻ tiểu học và những gì cần trang bị cho nhóm trẻ bắt đầu thích “rời xa” bố mẹ. Như trẻ mẫu giáo thì dạy chúng cách tránh xa nước nóng, đừng chạm vào ổ điện, không được sang đường khi chỉ có một mình... Như thế là đủ, là phù hợp, chứ chưa phải lúc dạy chúng cách thoát khỏi một tòa nhà đang cháy hay những kỹ năng phức tạp khác. Muốn biết những điều cần đó thì phải có quá trình tư duy, nói cách khác là phải đọc, phải học, phải tìm hiểu chứ không thể có được hiểu biết đầy đủ bằng cách tự suy luận.

Hiện nay, ngoài các giờ học ở trường, tại các thành phố lớn xuất hiện khá nhiều trung tâm dạy kỹ năng sống cho trẻ em. Có những nơi thiết kế “tour”... dạy trẻ đủ thứ trong 1 - 2 ngày, những trẻ “lộc ngộc” học cùng “em bé” bài học thoát hiểm, sử dụng bình chống cháy, làm việc nhóm... Còn bất cập là vậy mà “đắt hàng” lắm. Bởi thế, cần phải có cách kiểm soát hoạt động ở những nơi mở khóa học kỹ năng, làm sao hướng sự dạy vào chuẩn mực, tạo hiệu quả giáo dục cần thiết thay vì chỉ hướng tới lợi nhuận.

Tai nạn thương tích, sự an toàn của trẻ em đang là vấn đề gây nhức nhối. Chuyện không đơn giản, cần sự vào cuộc của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Cha mẹ học cách dạy con ở nhà một cách đúng đắn. Nhà trường tìm cách để nội dung các giờ học về kỹ năng gây được sự hứng thú ở học sinh, gần với tình huống có thể xảy ra ngoài đời thực, giúp trẻ hình thành kỹ năng tự bảo vệ. Cơ quan bảo vệ pháp luật và các hội, ngành, tổ chức liên quan cần nghĩ nhiều hơn về giải pháp bảo vệ trẻ em, xử lý thích đáng những cá nhân, tổ chức có hành vi, hoạt động gây ảnh hưởng không có lợi cho môi trường phát triển của trẻ.

Nhiều trẻ em đã rời bỏ chúng ta vì những nguyên nhân khác nhau. Dù là nguyên nhân gì thì đó cũng là lời nhắc nhở người lớn về bổn phận, trách nhiệm và sự cần thiết xây dựng môi trường sống an toàn hơn cho trẻ em. Chúng ta phải học ngay từ những vụ việc đau lòng đã xảy ra, để từ đó xác định trách nhiệm làm tốt hơn nhiệm vụ dạy dỗ, chăm sóc trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ai cũng phải học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.