Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tự chủ và trách nhiệm xã hội

Gia Khánh| 25/08/2019 06:24

(HNM) - Ngày 19-5-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP thí điểm tự chủ tại 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, là Bạch Mai, Hữu nghị Việt - Đức, K và Chợ Rẫy. Đây đều là những bệnh viện lớn, có đội ngũ y, bác sĩ giỏi, chất lượng khám, chữa bệnh được đánh giá cao, lượng người đến khám, điều trị rất lớn... Vì thế, việc các bệnh viện này thực hiện cơ chế tự chủ, người đứng đầu bệnh viện có quyền quyết định nhân sự, đầu tư cơ sở vật chất, thu - chi tài chính... và đặc biệt là giá dịch vụ y tế, đã nhận được sự quan tâm của dư luận.

Thực tế, cơ chế tự chủ ở các cơ sở y tế giúp thu hút bác sĩ giỏi với thu nhập thỏa đáng; có thể đầu tư thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh tiên tiến; cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện hiện đại... Bản thân các y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện cũng ý thức rõ hơn tinh thần phục vụ người bệnh, để có thái độ chuẩn mực hơn. Từ đó, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ngày càng nâng cao, đáp ứng đa dạng các nhu cầu của người bệnh.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, cũng có không ít băn khoăn, liệu việc bệnh viện tự quyết định giá dịch vụ y tế có ảnh hưởng đến người bệnh? Để tăng thu, liệu bệnh viện có tìm cách tận thu? Có sự phân biệt giữa bệnh nhân khám, điều trị bình thường và dịch vụ?... Những băn khoăn này không phải không có cơ sở khi việc lạm dụng dịch vụ kỹ thuật vẫn xảy ra; người bệnh mắc bệnh thông thường nhưng vẫn được chỉ định làm nhiều xét nghiệm. Hay khi phải giải bài toán thu - chi, bệnh viện có xu hướng đẩy mạnh khám chữa bệnh dịch vụ để tăng thu.

Việc thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện tại 4 bệnh viện vẫn đang ở giai đoạn thí điểm. Để đánh giá tổng thể cả mặt được, chưa được cần có thời gian, tiếp cận từ nhiều chiều, từ đó có những điều chỉnh phù hợp.

Tuy nhiên, những băn khoăn có thể thấy được hay lường trước cũng cần có ngay giải pháp. Trước hết, phải xác định cụ thể vai trò giám sát của Bộ Y tế. Bên cạnh hội đồng quản lý bệnh viện, có sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và giám sát thông qua hệ thống thông tin, để bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời.

Bởi, người đại diện của Bộ tham gia hội đồng quản lý thường kiêm nhiệm nhiều việc nên khó có sự giám sát thường xuyên, liên tục. Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Y tế cần ban hành đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn khám, chữa bệnh, sử dụng dịch vụ... để các bệnh viện thực hiện, đồng thời là căn cứ triển khai giám sát.

Tuy các bệnh viện tự quyết định giá dịch vụ, song mức giá không được vượt khung giá do Bộ Y tế quy định. Đây là giải pháp để kiểm soát giá dịch vụ y tế, vì vậy đòi hỏi phải được tính đúng, tính đủ, thường xuyên được cập nhật, để vừa không gây khó cho cơ sở y tế, vừa bảo đảm quyền lợi người bệnh.

Thực hiện cơ chế tự chủ, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện sẽ cao hơn. Với đặc thù như ngành Y tế, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu không chỉ gói trong công tác quản lý, điều hành, mà còn phải biết khơi gợi, giữ gìn y đức, trách nhiệm với xã hội và truyền thống của bệnh viện trong đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên. Dịch vụ y tế là "sản phẩm" đặc thù, người bệnh không thể đánh giá hay biết mình cần gì, mà hoàn toàn phụ thuộc vào y, bác sĩ, do đó y đức luôn được đề cao và coi trọng hơn hết. Mặt khác, đối tượng người bệnh - khách hàng cũng đa dạng, bao gồm cả người nghèo, đối tượng chính sách nên trách nhiệm xã hội của ngành Y tế càng không thể xem nhẹ. 

Các cơ sở y tế thí điểm cơ chế tự chủ đều là bệnh viện công có bề dày truyền thống trong khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân. Do vậy, dù là tự chủ lại càng không thể tách rời trách nhiệm xã hội, tính nhân văn của ngành Y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự chủ và trách nhiệm xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.