Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ thích ứng đến đón đầu

Thế Nguyên| 26/08/2019 07:26

(HNM) - Dù sự phát triển chỉ trong một thời gian rất ngắn đã phải trải qua không ít thăng trầm, dù quan điểm còn không ít tranh cãi, song rõ ràng những Uber, Grab (ứng dụng đặt xe), Airbnb - ứng dụng thuê phòng, Triip.me (ứng dụng để thiết kế tour)… đã trở nên phổ biến với đông đảo người tiêu dùng thế giới. Tại Việt Nam, những mô hình này đã không còn xa lạ. Và tương tự, sau Uber, Grab, xét về mặt tiêu chí nội địa, Go-Viet, Be, dichung trong nước… nay cũng đã có lượng lớn khách hàng.

Những thương hiệu phủ sóng toàn cầu như Airbnb, Uber, Grab, hay hiện diện với quy mô “nhỏ gọn” hơn, tại thị trường nội địa gần 100 triệu dân như Go-Viet, Be, dichung… đều có thể quy đồng về một mẫu số chung, một câu chuyện vừa đậm rõ tính thời sự vừa dự báo những hứa hẹn lâu dài cho triển vọng phát triển, đó là kinh tế chia sẻ.

Không còn nghi ngờ gì nữa, kinh tế chia sẻ dựa trên các nền tảng công nghệ đang phát triển với tốc độ chưa từng thấy. Quan điểm về mặt “lý luận” đương nhiên là có nhiều bởi có rất nhiều định nghĩa khác nhau: Kinh tế chia sẻ còn được gọi là kinh tế cộng tác, kinh tế theo cầu, kinh tế truy cập, kinh tế dựa trên các ứng dụng di động… Cũng vì mới mẻ, phát triển nhanh chóng và nhiều triển vọng, kinh tế chia sẻ đã đặt ra rất nhiều vấn đề từ quan điểm tiếp cận, xác lập chính sách, hướng quản lý…

Do đó, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg, ngày 12-8-2019, phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận nói chung, cộng đồng khoa học - công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng.

Trước hết, cần nói thêm ở đây, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở khu vực ASEAN cho phép thí điểm mô hình kinh doanh ứng dụng dịch công nghệ kết nối vận tải - một điển hình của kinh tế chia sẻ. Trước khi Quyết định số 999/QĐ-TTg ra đời, Chính phủ đã xác lập về mặt quan điểm đối với vấn đề này qua các Nghị quyết số 13/NQ-CP, ngày 8-2-2018, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2018 và Nghị quyết số 124/NQ-CP, ngày 6-10-2018, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2018…

Thực tế phát triển nhanh chóng và tất yếu của kinh tế chia sẻ đòi hỏi hàng loạt yêu cầu như: Bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng… Và sâu rộng hơn, đó là mục tiêu khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

Với sự cởi mở về mặt chính sách, thoáng về quan điểm, có tính “bà đỡ” về mặt cơ chế, Quyết định số 999/QĐ-TTg có hàng loạt điểm nhấn được mong đợi: Tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài theo hướng tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Đáng chú ý là việc cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) đối với triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ...

Kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ ở các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, bao gồm mô hình kinh tế chia sẻ, đã xuất hiện không ít "lỗ hổng" trong công tác quản lý. Để phát triển bền vững kinh tế chia sẻ và tận dụng các lợi thế của nó, việc thực hiện các quan điểm có tính định hướng và giải pháp chính như đã đề cập ở trên là yêu cầu tất yếu. Quyết định số 999/QĐ-TTg, ngoài việc đáp ứng yêu cầu phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ, thì nếu nhìn rộng hơn còn cho thấy việc làm sáng rõ tinh thần nhất quán của quan điểm xây dựng một Chính phủ kiến tạo.

Đó là Chính phủ chủ động thiết kế chính sách và pháp luật để đất nước ta phát triển; chủ động kiến thiết môi trường kinh doanh thuận lợi, và đó là Chính phủ đề cao mục tiêu nâng cao chất lượng an sinh xã hội để phục vụ người dân tốt nhất… Hay nói cách khác, đó là sự chủ động hơn về thể chế, chính sách pháp luật, tạo môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư phát triển.

Với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới, cũng như với Quyết định số 999/QĐ-TTg, tin tưởng rằng: Chúng ta không chỉ ủng hộ và thích ứng mà sẽ đón đầu xu thế, xu hướng phát triển, đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ thích ứng đến đón đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.