Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm lợi ích lâu dài

Chí Kiên| 23/09/2019 06:34

(HNM) - Động thái Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh giảm 0,25% lãi suất đối với một loạt loại hình tín dụng từ ngày 16-9-2019, ngay lập tức thu hút sự quan tâm của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. Trong dài hạn, việc này là rất tích cực, giúp ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, từ đó góp phần vào tăng trưởng nền kinh tế.

Đáng chú ý, tính từ tháng 7-2017 đến nay, đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều chỉnh lãi suất điều hành. Điều này cho thấy, vấn đề đã được nghiên cứu, đánh giá tác động và phù hợp với tình hình hiện tại.

Cụ thể, xét bối cảnh trong nước, việc cắt giảm lãi suất điều hành lần này được thực hiện từ những tín hiệu kinh tế khả quan. Đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định; đặc biệt, thời điểm này và dự báo cả năm nay, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (8 tháng qua lạm phát chỉ tăng 2,57%, thấp nhất trong vòng 3 năm qua)… Còn xét trên bình diện rộng, động thái kể trên được cho là đi theo xu hướng cắt giảm lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương các nước thực hiện gần đây.

Thực tế, mức điều chỉnh giảm lãi suất (0,25%) là không cao, nhưng rõ ràng đây là tín hiệu nới lỏng chính sách tín dụng - một bước đi linh hoạt trong khi vẫn bảo đảm sự thận trọng trong điều hành tiền tệ và đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Quỹ thời gian kiểm chứng những tác động của chính sách này đến nền kinh tế chưa nhiều, nhưng thực tế thị trường xuất hiện những phản hồi bước đầu mang tính tích cực. Cụ thể, kênh tài sản như thị trường chứng khoán đã có diễn biến tốt, nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng có mức tăng giá đáng kể…

Vấn đề cần quan tâm hiện nay là phải bảo đảm những lợi ích lâu dài của việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành đối với toàn bộ nền kinh tế. Mục tiêu quan trọng vẫn phải là cân đối kinh tế vĩ mô; hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; tỷ giá, chỉ số lạm phát phải luôn trong tầm kiểm soát…

Do vậy, nhiệm vụ bao trùm là cơ quan quản lý, điều hành tín dụng cần theo dõi sát sao diễn biến của nền kinh tế, thị trường tiền tệ để kịp thời đưa ra giải pháp điều hành linh hoạt, đồng bộ. Trong đó, vấn đề cần lưu ý là khi lãi suất điều hành giảm thì mặt bằng lãi suất cho vay giảm, từ đó sẽ khuyến khích người vay và tiền được đưa vào lưu thông nhiều hơn, gây áp lực lên lạm phát, tỷ giá.

Song, những chỉ số này hiện vẫn trong ngưỡng ổn định, và mức độ gia tăng như thế nào còn phụ thuộc vào quá trình thẩm thấu của chính sách, cùng tác động từ các thông số như tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán…

Tuy vậy, khi giảm lãi suất điều hành cũng sẽ giúp cấp thẩm quyền có thể điều chỉnh tỷ giá rộng hơn. Đây là điểm thuận lợi mà các doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng triệt để nhằm tăng lượng hàng hóa xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa một số nước có nền kinh tế mạnh vẫn chưa được giải quyết.

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội nguồn vốn giá rẻ khi điều chỉnh giảm lãi suất điều hành mang lại để đầu tư thêm công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Ở góc độ các tổ chức tín dụng, cùng với việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chính sách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho vay, giúp cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, nhất là thời điểm từ nay đến cuối năm, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tốc độ tăng trưởng, lợi ích lâu dài cho cả nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm lợi ích lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.