Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết tâm mới, biện pháp mới

Thế Nguyên| 05/10/2019 06:22

(HNM) - Nhìn lên “bản đồ vi phạm”, có thể thấy hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn là vấn đề "nóng" tại nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội như: Ba Vì, Sơn Tây, Đông Anh, Phú Xuyên… Tuy nhiên, đây cũng là thực trạng ở nhiều địa phương của cả nước như: Yên Bái, Phú Thọ, Hải Phòng, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh...

Đáng chú ý, khai thác cát, sỏi trái phép không chỉ là câu chuyện “xuân thu nhị kỳ” mà kéo dài đã hàng chục năm nay. Địa bàn xảy ra vi phạm rộng, thời gian kéo dài, để lại nhiều hậu quả như: Môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi dòng chảy các sông bị thay đổi, xói lở liên tục xảy ra; an toàn đê điều và đời sống dân sinh bị đe dọa và ở không ít nơi, đã phát sinh vấn đề về an ninh trật tự…

Chính vì vậy, Chính phủ liên tục có chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành hữu quan, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Từ chỉ đạo của Chính phủ cũng như yêu cầu thực tế đặt ra, thành phố Hà Nội luôn đặc biệt coi trọng nhiệm vụ trên. Mới đây, thành phố có Văn bản số 3916/UBND-ĐT, yêu cầu các địa phương và lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong khai thác khoáng sản, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông…

Tính chất vi phạm trong hoạt động khai thác này cho thấy yêu cầu ngăn chặn vi phạm một cách hiệu quả là bài toán khó, không dễ giải quyết trong “một sớm, một chiều”. Tuy nhiên, để chấn chỉnh, lập lại trật tự trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn Hà Nội, trên cơ sở các giải pháp đã tương đối rõ ràng, cần phải có quyết tâm mới và các biện pháp mới.

Trước hết, các sở, ngành, địa phương liên quan cần bám sát, thực hiện nghiêm chỉ đạo, yêu cầu của Chính phủ và thành phố Hà Nội về tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý cũng như xử lý sai phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi. Do vi phạm có tính liên địa phương - đối tượng vi phạm hay lợi dụng địa bàn giáp ranh để hoạt động - nên sự phối hợp của các tỉnh, thành phố là rất quan trọng. Việc phối hợp hiệu quả sẽ ngăn chặn được tình trạng “tỉnh này ra quân, đối tượng vi phạm chạy sang địa bàn tỉnh khác”. 

Về lâu dài, một cơ chế có tính điều phối liên vùng, liên ngành trong ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vận hành hiệu quả tất sẽ làm giảm thiểu vi phạm ở lĩnh vực này. Tại riêng địa bàn Hà Nội, kết quả thực hiện thời gian qua của từng sở, ngành (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông - Vận tải, Sở NN&PTNT, Công an thành phố…) đã được triển khai tương đối hiệu quả, do đó cần tiếp tục duy trì, phát huy hơn nữa.

Thứ hai, việc sớm “chuẩn hóa” quy hoạch khai thác khoáng sản nói chung, tài nguyên cát, sỏi nói riêng trên địa bàn Hà Nội là yêu cầu cấp thiết. Gắn liền với đó, các cơ quan, địa phương liên quan cần sớm xử lý triệt để các kho, địa điểm tập kết cát, sỏi vốn còn không ít lộn xộn, sai phạm. Khi các kho, bãi tập kết này đi vào quy củ, việc khai thác cát, sỏi trái phép sẽ ít có điều kiện hoành hành.

Thứ ba, cùng với việc tăng cường ra quân kiểm tra, xử lý sai phạm, việc xem xét điều chỉnh, bổ sung chế tài với cá nhân, tổ chức có vi phạm cũng rất cần thiết và phải theo hướng tăng nặng cả về xử lý hành chính lẫn truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, chỉ khi hậu quả pháp lý lớn hơn lợi ích kinh tế (có được nhờ vi phạm) thì đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép mới chùn tay.

Cuối cùng, do khai thác cát, sỏi, nhất là hoạt động trái phép, rất “nhạy cảm” nên cùng với việc tăng cường quản lý của cơ quan chức năng, chính quyền sở tại, việc đẩy mạnh xử lý vi phạm, sai phạm, rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Chính vai trò giám sát của các tổ chức, đoàn thể, “tiếng nói” của người dân là kênh thông tin quan trọng để mọi vi phạm đều được phản ánh kịp thời đến các cơ quan chức năng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm mới, biện pháp mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.