Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải rõ trách nhiệm, tăng chế tài

Liên Nhi| 11/10/2019 06:53

(HNM) - Thời gian gần đây, các vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội gia tăng, có diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, ngày 19-9 vừa qua, tại Văn bản số 4062/UBND-KT, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo chủ tịch UBND các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thanh Oai xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật đê điều xảy ra trong tháng 8-2019, báo cáo UBND thành phố trước ngày 5-10-2019. Trong khi đó, chỉ đạo trên toàn quốc, mới đây nhất, ngày 7-10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.

Thống kê cho thấy từ đầu năm 2011 đến nay, trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của Hà Nội còn tồn đọng trên 1.500 vụ vi phạm pháp luật đê điều. Những dạng vi phạm này không mới và đều nằm ở những vị trí rất dễ phát hiện... Nhưng phần lớn các vi phạm đều vẫn "trôi" do không bị xử lý kịp thời ngay từ khi phát sinh. Thực tế này gây nhiều nhức nhối, là mối đe dọa cho sự an toàn của công trình đê điều, đặc biệt trong mùa mưa bão.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao các cơ quan chức năng của trung ương và địa phương, trong đó có Hà Nội, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc... nhưng các vi phạm vẫn không được ngăn chặn, xử lý hiệu quả? Nguyên nhân có nhiều, song mấu chốt vẫn nằm ở hai khâu: Xử lý vi phạm, đặc biệt là các vụ nổi cộm, đa phần mới dừng lại ở xử phạt hành chính (mức tối đa 100 triệu đồng) nên không đủ sức răn đe; chưa gắn trách nhiệm xử lý vi phạm với người đứng đầu, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở.

Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý toàn bộ số vi phạm đang tồn đọng; đồng thời có giải pháp kiên quyết, khả thi để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm phát sinh mới.

Nhiệm vụ đã rất rõ, song trước hết, cần rà soát các phương án quản lý, sử dụng đất ở bãi sông, số lượng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều phải di dời và xây dựng phương án, lộ trình di dời khả thi để thực hiện. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền sâu rộng những quy định về bảo vệ công trình đê điều, công trình thủy lợi để người dân hiểu và chấp hành; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý trước khi xây dựng công trình ven hành lang bảo vệ đê…

Đồng thời, cơ quan chức năng cần tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm, ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh. Đặc biệt, phải chấm dứt ngay việc cho thuê đất không đúng quy định; kiên quyết thu hồi diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, các bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông hoạt động trái phép, không nằm trong quy hoạch. Riêng với những vi phạm cấu thành hành vi phạm tội cần xử lý hình sự thay vì xử lý hành chính. 

Và điều quan trọng là, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn trong việc để xảy ra các vụ vi phạm và kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn mình phụ trách. Việc xây dựng phương án, lộ trình cưỡng chế, giải tỏa các công trình không hợp pháp trong phạm vi bảo vệ đê điều cần được xem là một trong những tiêu chí xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Có như vậy mới tránh được tình trạng cấp dưới đẩy lên cấp trên, cấp trên lại chuyển cấp dưới, cuối cùng vi phạm không được xử lý dứt điểm.

Phân rõ, gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở; tăng chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật đê điều là những giải pháp quan trọng để xử lý dứt điểm tình trạng “nhờn luật”. Qua đó, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân Thủ đô khi mưa lũ về.    

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải rõ trách nhiệm, tăng chế tài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.