Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sức khỏe của người dân

Minh Thúy| 05/11/2019 06:26

(HNM) - “Lợn hai chuồng, rau hai luống” là câu chuyện tồn tại đã lâu ở nước ta khi nói về vấn đề an toàn thực phẩm. Và trong phiên họp giải trình việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố do Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức hôm qua (4-11), câu chuyện ấy lại làm “nóng” nghị trường.

Với 15 lượt đại biểu đặt câu hỏi, 16 lượt giải trình của lãnh đạo các sở, ban, ngành và trả lời của Chủ tịch UBND thành phố, những vấn đề từ đồng ruộng đến bàn ăn; từ chợ dân sinh đến siêu thị; từ hàng ăn vỉa hè đến bếp ăn tập thể... đã phần nào khái quát lên bức tranh toàn cảnh về thực trạng an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố hiện nay.

Những lo lắng, băn khoăn của các đại biểu HĐND thành phố cũng chính là những vấn đề người dân quan tâm hiện nay. Là thành phố đông dân và có độ mở lớn, việc bảo đảm an toàn thực phẩm luôn được Hà Nội đặc biệt quan tâm. Thực tế, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng thực phẩm, như phát triển những tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát; đưa vào hoạt động hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm…

Trong lĩnh vực sản xuất, Hà Nội chú trọng phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn và thúc đẩy các mô hình sản xuất sạch, hữu cơ… Gần đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND (ngày 5-7-2019) về phân công, phân cấp quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, trách nhiệm của mỗi sở, ngành như: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Quản lý thị trường… và UBND các cấp đã được chỉ rõ. Điều này sẽ ngăn chặn việc “đá bóng” trách nhiệm và kịp thời bịt các kẽ hở khiến vi phạm nảy sinh.

Tuy nhiên, chuyển biến trong lĩnh vực này còn chậm. Ngay tại phiên họp giải trình, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại và khẳng định, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thành phố sẽ tiếp tục tập trung làm tốt hơn việc bảo đảm an toàn thực phẩm.

Để giải quyết hiệu quả, thông điệp “Hãy nói không với thực phẩm bẩn” phải trở thành những việc làm thiết thực. Trước mắt, các sở, ngành, UBND các cấp cần thực hiện ngay chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung và Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc tại phiên giải trình, như: Chú trọng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ rau, củ, quả; cơ sở sản xuất nước, chế biến lương thực, thực phẩm tươi sống; siết chặt quản lý nguồn gốc các chất bảo quản; đồng thời nâng cao kỹ năng kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm cho các cán bộ cấp phường… Rà soát lại mối quan hệ giữa các sở, ngành trong giải quyết công việc nhằm tăng phát hiện vi phạm; đưa ra những đề xuất xử lý vi phạm nghiêm hơn…

An toàn thực phẩm là lĩnh vực liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành nên việc phân định trách nhiệm rất quan trọng. Do đó, việc thực hiện tốt Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND sẽ giúp công tác quản lý không bị phân đoạn, cắt khúc mà tạo sự liền mạch, chặt chẽ trong từng khâu.

Song, chỉ riêng sự nỗ lực của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước là chưa đủ, mà cần sự vào cuộc trách nhiệm của cả người dân, doanh nghiệp với tư duy mới. Đó là người sản xuất, chế biến cần sản xuất sạch ngay từ gốc chứ không chỉ chú trọng yếu tố sạch ở sản phẩm đầu ra. Người dân cần tẩy chay những thực phẩm bẩn và cộng đồng trách nhiệm với cơ quan chức năng trong việc sử dụng những sản phẩm rõ nguồn gốc, an toàn…

Việc bảo đảm an toàn thực phẩm sâu xa chính là quá trình thực thi pháp luật. Do đó, việc giám sát trở lại vấn đề này - như lời của Chủ tịch HĐND thành phố sẽ là bảo đảm rằng những giải pháp hóa giải tình trạng mất an toàn thực phẩm được thực hiện nghiêm túc, vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sức khỏe của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.