Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chủ quan, thỏa mãn

Đan Nhiễm| 06/11/2019 06:22

(HNM) - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ tháng 10-2019 diễn ra ngày 5-11. Nói vậy là bởi nhìn tổng thể, dù nền kinh tế - xã hội 10 tháng qua của nước ta tăng trưởng ấn tượng, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến khó lường thì một “đốm lửa” nhỏ cũng có thể kéo theo nhiều hệ lụy dây chuyền tức thời và điều đó không cho phép chúng ta chủ quan, thỏa mãn.

Có thể điểm lại một vài kết quả đáng chú ý của 10 tháng qua như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 10 tháng thấp nhất 3 năm gần đây. Thu ngân sách tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất siêu khoảng 7 tỷ USD trong khi dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp... Nếu điều kiện thuận lợi, tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 dự báo có thể đạt cao hơn mức 6,8%, đưa Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất ở Đông Á - Thái Bình Dương giữ nguyên được mức tăng trưởng theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB).

Đây là những con số “biết nói”, khẳng định bản lĩnh vượt qua thách thức của Đảng ta, trực tiếp là sự điều hành linh hoạt, chủ động của Chính phủ trong gần 1 năm với không ít biến động vừa qua. Tuy nhiên, 2 tháng cuối năm là giai đoạn luôn tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ngờ, nhất là nền kinh tế phải chuẩn bị tổng lực để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 nên bất kỳ một diễn biến không thuận sẽ kéo theo giảm phát. Trong khi đó, dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn có dấu hiệu bùng phát trở lại tại nhiều địa phương.

Ở giai đoạn "nước rút" của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tất cả tồn tại, hạn chế phải được “chỉ mặt, gọi tên”, đi kèm với đó là những nhiệm vụ, giải pháp phải được sắp xếp theo trình tự ưu tiên từ cao xuống thấp để dồn nguồn lực và nỗ lực vào khắc phục. Trong đó, chú trọng vấn đề giải ngân vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tập trung đánh giá toàn diện tác động của căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, tác động của thị trường tài chính quốc tế để có kịch bản ứng phó. Tăng cường kiểm soát thị trường, quản lý giá cả, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước, thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Cùng với đó là tiếp tục rà soát, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh không cần thiết, tổ chức đánh giá kết quả cải thiện môi trường kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành, địa phương mình gắn với thi đua.

Ngoài ra, cần chú ý chuẩn bị nguồn lực tài chính, đẩy mạnh bình ổn hàng hóa, nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu cho thị trường những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán 2020. Các địa phương cũng cần chủ động có giải pháp để bảo đảm an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội dự báo sẽ diễn biến phức tạp trong 2 tháng còn lại của năm 2019.

Trong quá trình này, đòi hỏi vai trò người đứng đầu mỗi đơn vị, địa phương hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là có tính quyết định. Kinh nghiệm cho thấy, nếu người đứng đầu trì trệ thì cả “cỗ máy” phía sau sẽ bị ảnh hưởng và ngược lại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh khi làm việc với các bộ, ngành, đơn vị, địa phương rằng: Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Tinh thần này càng cần được thông suốt trong 2 tháng còn lại của năm 2019 để có thể đạt và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra từ đầu năm là tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,6-6,8%.

Một khi cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân vào cuộc, tất yếu khó khăn sẽ qua đi, nền kinh tế có thể bứt phá như kỳ vọng.                                         

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không chủ quan, thỏa mãn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.