Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ

Văn Ngọc Thủy| 07/11/2019 06:28

(HNM) - Thời gian qua, môi trường đầu tư của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới 3 năm gần đây tăng khoảng 65-70%, đạt mức cao nhất trong 20 năm qua. Đặc biệt, trong 10 tháng năm nay, cả nước có 114,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vốn đăng ký bình quân một đơn vị tăng mạnh, đạt 12,5 tỷ đồng - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây...

Để đạt kết quả nói trên, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy vậy, cần thẳng thắn nhìn nhận, các chính sách pháp luật về đầu tư, kinh doanh đang có những xung đột, chồng chéo nhất định.

Điều này đã gây ra không ít hệ lụy cho doanh nghiệp, làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh cũng như kìm hãm sự phát triển. Đây còn là "mảnh đất" phát sinh những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình triển khai dự án đầu tư, kinh doanh.

Thực tế này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về mặt khách quan, nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nhanh, do đó hệ thống chính sách pháp luật liên tục phải sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu phát triển và phù hợp với thực tiễn. Trong hệ thống đó, có văn bản được sửa đổi, bổ sung trước, có văn bản làm sau, dễ dẫn đến không thống nhất… Về mặt chủ quan, các dự thảo luật hiện nay đều do các bộ, ngành chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến góp ý. Do đó, các đạo luật phần nào vẫn chịu sự chi phối và ý chí chủ quan của những cơ quan này...

Để khắc phục tình trạng trên, trước hết cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong công tác thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật, nhằm bảo đảm một quy định pháp luật mới được đề xuất chỉnh sửa, bổ sung phải phù hợp, có tính thống nhất cao trong hệ thống chính sách pháp luật đã có.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp làm việc giữa ban soạn thảo các luật để tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện vấn đề và tuân thủ nghiêm đồng thời nếu thấy cần thiết thì sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Với các bộ, ngành, nên giao nhiệm vụ xây dựng pháp luật, chính sách cho Vụ Pháp chế hay các viện thay vì các vụ, cục đang đảm nhận nhiệm vụ thực thi pháp luật, xét duyệt và cấp phát các loại giấy phép, nhằm tránh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi".

Bên cạnh đó, ngay từ khâu nghiên cứu các định hướng chính sách, cần bảo đảm được các yêu cầu tổng thể, có tầm nhìn bao quát, tổng hợp, xuyên suốt, tránh việc mạnh đơn vị nào đơn vị đó làm, gây nên tình trạng "pháp luật cục bộ".

Ngoài ra, trong quá trình soạn thảo chính sách pháp luật, cần tuyên truyền hiệu quả cũng như triển khai sâu rộng việc lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, đơn vị có liên quan ngay từ khâu đầu hoạch định chính sách. Qua đó, doanh nghiệp có thể tham gia toàn diện hơn nữa vào việc xây dựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi của chính họ.

Về tổng thể, để có một giải pháp tối ưu nhất, các bộ, ngành cần rà soát, đánh giá toàn diện việc thực thi chính sách, pháp luật đầu tư, kinh doanh liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý; qua đó, phối hợp chặt chẽ để điều chỉnh, khắc phục kịp thời những bất cập, chồng chéo giữa các bộ luật. Cũng thông qua việc này để đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quy định, chính sách mới bảo đảm tính thống nhất, dễ hiểu, dễ thực hiện cho doanh nghiệp. Trong đó, việc cần làm ngay là tập trung rà soát những quy định, điều khoản tại Luật Đầu tư với các luật có liên quan để thực hiện tốt các nhiệm vụ kể trên.

Nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành là yêu cầu nhất quán nhằm nâng cao chất lượng việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng văn bản luật lĩnh vực đầu tư kinh doanh, từ đó tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.