Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không vì lợi ích trước mắt!

Thế Văn| 08/11/2019 06:23

(HNM) - Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện mỗi ngày Hà Nội phải tiêu hủy khoảng 200-300 con lợn do mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi - ít hơn rất nhiều so với con số 7.000-8.000 con/ngày hồi tháng 5, tháng 6-2019. Qua đó cho thấy, việc kiểm soát bệnh dịch này đã có tiến triển đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cũng theo Sở NN&PTNT Hà Nội, bệnh dịch đã tái phát tại 193 xã, phường.... Điều này đồng nghĩa, “cuộc chiến” chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn vô cùng gian nan.

Bệnh Dịch tả lợn châu Phi có thể bùng phát trở lại trên diện rộng hay không? Đó là một câu hỏi đặt ra từ thực tế và cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm của không chỉ người chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội. Để trả lời câu hỏi đó, cần xác định rõ nguyên nhân vì sao bệnh dịch tái phát ở những nơi đã có dấu hiệu lắng xuống qua nhiều ngày.

Trước hết, đó là nhu cầu lớn của thị trường, từ sự gia tăng của giá thịt lợn - hiện nay vào khoảng 62.000 đồng/kg thịt hơi và dự đoán sẽ tăng đến hơn 70.000 đồng/kg thịt hơi trong những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Với người chăn nuôi nhỏ lẻ, để bù đắp thiệt hại do bệnh dịch gây ra, cũng như muốn có khoản thu vào dịp Tết nên không ít hộ dân đã tái đàn bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương về phòng, chống dịch bệnh. Đây là nguyên nhân chính, nguyên nhân trực tiếp khiến bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tái phát.

Mặt khác, tại nhiều địa phương, tình hình bệnh dịch đã có dấu hiệu chững lại, qua 30 ngày không xuất hiện ổ dịch mới nên dẫn đến tâm lý chủ quan, công tác kiểm tra, kiểm soát cơ sở chăn nuôi, giết mổ ở nhiều nơi bị buông lỏng...

Vì lợi ích trước mắt nên nhiều người đã cố tình “vượt rào” khiến việc kiểm soát bệnh dịch gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi lực lượng thú y cơ sở còn hạn chế; phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ hiện vẫn chiếm chủ yếu thì ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân có vai trò vô cùng quan trọng.

Để ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan trên diện rộng, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng, chống, xử lý dịch bệnh theo quy định; thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tiêu độc, khử trùng môi trường chuồng, trại. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở chăn nuôi, sớm phát hiện, xử lý bệnh dịch ngay từ lúc mới phát sinh cũng như kiểm soát có hiệu quả việc giết mổ, vận chuyển, kinh doanh sản phẩm thịt lợn…

Qua việc tái phát bệnh dịch tại 193 xã, phường, bài học lớn có thể rút ra là, các cơ quan hữu trách, đặc biệt là chính quyền địa phương không được chủ quan, mà phải thường xuyên bám sát cơ sở chăn nuôi, tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm khắc các hộ chăn nuôi không đủ điều kiện vẫn tái đàn hoặc tái đàn mà không kê khai, báo cáo chính quyền địa phương…

Như đã nói, việc nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vì lợi ích trước mắt vội vã tái đàn dẫn tới phát sinh bệnh dịch, cho thấy vấn đề cốt lõi chính là nhận thức của người dân về những hậu quả nghiêm trọng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi còn hạn chế. Bởi vậy, để ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh, các hộ chăn nuôi cần nghiêm túc chấp hành quy định về công tác phòng, chống bệnh, như: Không tiếp xúc với các nguồn gây bệnh; kiên quyết không tái đàn, nuôi mới khi chưa bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh…

Nếu người chăn nuôi không vì lợi ích trước mắt, tái đàn trong điều kiện không bảo đảm an toàn; nếu chính quyền địa phương kiên trì triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn…, chắc chắn chúng ta sẽ khống chế, đẩy lùi bệnh Dịch tả lợn châu Phi.    

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không vì lợi ích trước mắt!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.