Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động ứng phó thời tiết bất thường

Kim Nhuệ| 23/01/2019 06:50

(HNM) - Thời tiết thời gian qua có những diễn biến bất thường đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp. Chủ động ứng phó với thời tiết bất thường để hạn chế thiệt hại đang là nhiệm vụ ưu tiên của ngành Nông nghiệp hiện nay.

Hệ thống nhà màng, nhà lưới trồng rau của Công ty CP Đồng Xanh Hà Nội (huyện Đông Anh).


Thời tiết diễn biến cực đoan

Do tác động của biến đổi khí hậu nên tình hình thời tiết ngày càng diễn biến bất thường. Tại nhiều địa phương, nhất là ở các tỉnh Nam Bộ, mưa rất nhiều trong mùa khô vừa qua đã ảnh hưởng tới nhiều loại cây trồng chủ lực như điều, cà phê trong thời kỳ ra hoa. Nhiều loại cây ăn trái bị mưa cũng ảnh hưởng tới khả năng điều khiển ra hoa trái vụ. Tại các tỉnh phía Bắc, những yếu tố thời tiết bất thường trong mùa đông cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sinh trưởng của nhiều loại cây trồng. Chẳng hạn, biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm có sự chênh lệch lớn (ngày nóng, đêm lạnh) hoặc đang rét đậm, rét hại lại chuyển ngay sang nắng nóng, mưa rào... Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, những yếu tố thời tiết cực đoan dễ làm phát sinh bệnh trên cây trồng, vật nuôi; làm gia tăng lũ lụt, úng ngập, cháy rừng, không những gây tổn thất nặng nề về người, phá hủy hệ thống cơ sở hạ tầng mà còn gây thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, do tác động của hiện tượng El Nino nên năm 2019 tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến cực đoan, không theo quy luật. Mùa mưa bão trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Các tỉnh thuộc khu vực phía Tây Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xuất hiện các đợt nắng nóng sớm hơn. Trên địa bàn toàn quốc, nhiệt độ trung bình từ tháng 2 đến tháng 6-2019 phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5-1 độ C. Trong tháng 2-2019, tại Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ hiện tượng rét đậm, rét hại có khả năng ít hơn so với trung bình nhiều năm...

Đặc biệt, trong năm 2019, các tỉnh, thành phố cần đề phòng khô hạn và xâm nhập mặn. Cụ thể, đối với khu vực Bắc Bộ, từ nửa cuối tháng 1 đến tháng 4-2019, nguồn nước so với trung bình nhiều năm ở khu vực Đông Bắc thiếu hụt 10-30%; khu vực Đồng bằng Bắc Bộ từ tháng 3 đến tháng 4 thiếu hụt 30-40%... Mực nước thấp nhất trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng ở mức 0,3-0,4m xuất hiện vào tháng 2 hoặc tháng 3. Tình hình thiếu nước, khô hạn cục bộ có khả năng xảy ra tại một số tỉnh khu vực Đông Bắc trong các tháng đầu mùa khô năm 2019…

Thực hiện 4 nội dung trọng tâm

Do biến đổi khí hậu, sông Đáy, đoạn qua cầu Mai Lĩnh (TP Hà Nội), cạn nước, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.


Để giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do thời tiết bất thường, Bộ NN&PTNT đã có nhiều chương trình hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ xác định, đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016-2020.

Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Hoàng Văn Thắng, biện pháp ứng phó đối với biến đổi khí hậu trong ngành Nông nghiệp được thực hiện với 4 nội dung trọng tâm. Cụ thể là, tăng cường thông tin tuyên truyền và nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu trong toàn xã hội; rà soát và hoàn thiện cơ chế chính sách; rà soát và điều chỉnh quy hoạch sản xuất; tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp. Trước mắt, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung vào hai nhiệm vụ chính là thực hiện nhiều giải pháp thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực…

Triển khai nhiệm vụ trên, Bộ NN&PTNT đã xây dựng các chính sách hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Đối với nhóm giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu và triển khai 24 mô hình trình diễn ứng dụng các kỹ thuật canh tác và bảo vệ đất phù hợp để giảm tác động của biến đổi khí hậu cho 5 loại cây trồng chủ lực (lúa, ngô, đậu tương, lạc, mía) tại 3 vùng đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. Về giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, Bộ NN&PTNT đã xây dựng 12 quy trình canh tác cho các cây trồng chủ lực tại mỗi vùng, bảo đảm năng suất, bảo vệ đất, có khả năng thích nghi với điều kiện bất lợi của biến đổi khí hậu như hạn hán, ngập úng, xâm nhập mặn, rét hại…

Trước mắt, để bảo đảm nguồn nước gieo cấy vụ xuân cho năm nay và những năm tiếp theo tại khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Tổng cục Thủy lợi và các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ và tiết kiệm nước tưới cho cây trồng, hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu để giảm lượng nước thất thoát, rò rỉ bằng giải pháp bê tông hóa, kiên cố hóa kênh mương. Cùng với đó là tăng cường áp dụng các công nghệ tưới tiêu khoa học, vừa tiết kiệm nước, vừa nâng cao năng suất cây trồng; tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi ở vùng trồng màu, trồng lúa để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó thời tiết bất thường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.