Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, cân đối nguồn cung thực phẩm

Sơn Tùng| 12/04/2019 14:23

(HNMO) - Ngày 12-4, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị về thúc đẩy chăn nuôi gia cầm tại Việt Nam, hướng tới xuất khẩu.

Theo Cục Chăn nuôi, trong những năm qua, số gia cầm của cả nước tăng bình quân hơn 6%/năm, sản lượng thịt gia cầm đạt hơn 1 triệu tấn/năm, sản lượng trứng đạt hơn 11 tỷ quả/năm... Chăn nuôi gia cầm đang ứng dụng mạnh tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến ở các khâu (con giống, trang thiết bị…) với nhiều doanh nghiệp đầu tư bài bản, có giải pháp căn cơ nhằm tạo sản phẩm gia cầm lợi thế, đủ sức cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu.

Quang cảnh hội nghị.


Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, phát triển chăn nuôi gia cầm chủ yếu trên nền tảng công nghiệp với công nghệ giống siêu thịt, siêu trứng cùng liên kết theo chuỗi giá trị. Trong năm 2019, cần có chính sách hỗ trợ nông dân, chủ trại, doanh nghiệp phát triển gia cầm, đặc biệt, có kế hoạch bù lượng thịt lợn có thể thiếu hụt do ảnh hưởng từ bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Để thúc đẩy chăn nuôi gia cầm theo quy hoạch, hướng tới xuất khẩu, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, tránh phát sinh dịch bệnh trên gia cầm trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi còn ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi lợn.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trước hết, nhằm tránh rào cản đối với các quốc gia có hàng rào kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm cao, cần phát triển sản phẩm gia cầm qua chế biến, như trứng muối, thịt gà, thịt vịt; tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn có chứng nhận chất lượng; đầu tư nghiên cứu sâu nhằm gắn sản xuất với nhu cầu và yêu cầu từng thị trường xuất khẩu; tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gia cầm tại các thị trường thế giới, có hướng mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiềm năng…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, trong bối cảnh ngành chăn nuôi gia súc đang gặp khó khăn, việc phát triển chăn nuôi gia cầm là giải pháp cân bằng ngành chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.

Hiện, nhu cầu tiêu dùng trong nước về thịt gia cầm ngày càng tăng với sức tiêu thụ của 97,2 triệu dân và khoảng 15 triệu khách du lịch. Ngoài ra, trứng vịt là một trong những sản phẩm có thể xuất khẩu tới các nước Đông Nam Á và Nam Á; thịt và gan gia cầm có thể xuất khẩu tới các nước châu Âu…

Mặt khác, việc tiếp cận và tham gia các tổ chức quốc tế, các hiệp định song phương, đa phương, hiệp định thương mại tự do được đẩy mạnh, chắc chắn tác động tích cực đến chăn nuôi gia cầm, qua đó, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, công tác quản lý giống, thức ăn chăn nuôi được tăng cường; Luật Chăn nuôi và các văn bản dưới luật sẽ có hiệu lực từ năm 2020 sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, cân đối nguồn cung thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.