Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc: Thách thức và cơ hội

Đỗ Minh| 06/05/2019 07:26

(HNM) - Lâu nay, nông sản Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch nên tiềm ẩn nhiều rủi ro và thiếu bền vững. Thời gian gần đây, Trung Quốc siết chặt kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam với tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe.

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc phải đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe.


Siết chặt kiểm soát nông sản

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam, với nhiều mặt hàng nông sản chiếm từ 40 đến 70% tổng thị phần xuất khẩu nước ta. Cụ thể, Trung Quốc chiếm khoảng 70% tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng rau, quả; hơn 22% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam...

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, có tới 60-70% nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua tiểu ngạch khiến giá trị xuất khẩu bị giảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững... Từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã có nhiều thay đổi trong nhập khẩu nông sản của Việt Nam khi đồng ý nhập khẩu một số nông sản của nước ta (chủ yếu là trái cây) qua đường xuất khẩu chính ngạch.

Về vấn đề này, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN& PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho hay, phía thị trường Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt quy định đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này, điển hình là mặt hàng rau quả. Hiện, trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy định về an toàn nguyên liệu thực phẩm; đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của Trung Quốc; phải đăng ký mã số vùng, địa danh của nông sản với Hải quan Trung Quốc. Các đơn vị nhập khẩu phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc kèm theo nhãn mác; sản phẩm phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật bao gói, điều kiện vệ sinh, không nhiễm côn trùng hại…

Đặc biệt, Trung Quốc có một số thay đổi trong giám sát xuất nhập khẩu hoa, quả vào nước này. Theo đó, từ ngày 1-10-2019, thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho các lô hàng. Ngoài ra, đối với các mặt hàng thủy sản, nông sản khác, Trung Quốc cũng siết chặt kiểm soát chất lượng.

Về phía doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho rằng, những yêu cầu về chất lượng cao đồng nghĩa với việc xuất khẩu sẽ theo hướng chính ngạch; đồng thời, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch. Đây chính là thách thức cho xuất khẩu của Việt Nam nói chung và xuất khẩu nông sản nước ta nói riêng...

Nâng cao chất lượng là đáp án thành công

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang nhiều nước, trong đó có thị trường Trung Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Tâm Thành (tỉnh Hưng Yên) Phạm Năng Thành nhận định khá lạc quan: Quy định gần đây của Trung Quốc là thách thức không nhỏ, song đó cũng là cơ hội mới, bởi đây là thị trường tiêu thụ rất lớn.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho rằng: "Việc Trung Quốc đưa ra những yêu cầu cao về chất lượng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam khắc phục được tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch như hiện nay; chủ động hơn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, qua đó chúng ta hạn chế được rủi ro, giảm sự lệ thuộc trong khâu tiêu thụ tại thị trường này và giảm thiểu tình trạng bị ép giá hoặc “được mùa - mất giá”...".

Nhằm giúp doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường tiềm năng này, các bộ, ngành nước ta đang tích cực đàm phán với các cơ quan chức năng Trung Quốc và bổ sung loại hình nông sản xuất khẩu theo chính ngạch. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Căn cơ của vấn đề vẫn nằm ở bài toán chất lượng nông sản. Không riêng thị trường Trung Quốc mà với bất cứ thị trường nào trong bối cảnh hội nhập, yêu cầu cao về chất lượng vẫn là đáp án của thành công.

Song hành, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương mở nhiều lớp tập huấn và tạo kênh thông tin kịp thời về thị trường, về các quy định mới nhất của nước bạn; đặc biệt là vào thời điểm vụ thu hoạch từng loại nông sản. Qua đó, người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu có giải pháp phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu từ thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc…

Đã đến lúc, người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu tới thị trường các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng cần có những động thái tích cực hơn để vượt rào cản của các nước nhập khẩu; cần coi đó vừa là thách thức và vừa là cơ hội tốt để từng bước thâm nhập, chinh phục thị trường Trung Quốc và các quốc gia có yêu cầu khắt khe với chất lượng nông sản. Đây cũng chính là điều kiện để nông dân và doanh nghiệp Việt Nam cải tiến phương thức theo hướng đồng bộ, bài bản trong chuỗi giá trị.

Theo Bộ NN&PTNT, quý I-2019, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản đứng thứ nhất của Việt Nam. Tuy vậy kim ngạch xuất khẩu giảm tới 12,7% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu rau, quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 680 triệu USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2018.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc: Thách thức và cơ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.