Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao

Ngọc Quỳnh| 14/06/2019 07:54

(HNM) - Trước tình trạng bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, Hà Nội khuyến cáo nông dân tập trung phát triển chăn nuôi bò nhằm ổn định nguồn cung thực phẩm.

Mô hình chăn nuôi bò thịt tại xã Minh Châu (huyện Ba Vì) cho hiệu quả kinh tế.


Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, tổng đàn bò toàn thành phố là 134.400 con, sản lượng đạt khoảng 10 nghìn tấn/năm, song mới chỉ đáp ứng gần 20% nhu cầu thịt bò của người tiêu dùng. Dự kiến, thời gian tới, nhu cầu thịt bò tiếp tục tăng. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội có điều kiện tự nhiên đa dạng khoảng 150 nghìn héc ta đất đồi gò, 125 nghìn héc ta đất bãi phù sa, đất ven sông và 35 nghìn héc ta đất đồng bằng rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi bò.

Để nâng cao chất lượng bò thịt, thành phố tập trung đưa các giống bò mới chất lượng vào chăn nuôi, như bò BBB - giống bò cho hiệu quả kinh tế cao, tỷ lệ thịt đạt 63%, cao hơn 10-12% so với giống bò thông thường. Ngoài ra, thành phố tiếp tục đưa giống bò Wagyu Kobe vào sản xuất và hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhằm chọn ra giống bò mang thương hiệu của Hà Nội. Đến nay, đàn bò BBB của Hà Nội đạt 140.000 con, đàn bò lai giống Kobe Nhật Bản hơn 4.000 con. Từ đàn bò giống ban đầu, sau khi được lai giống, cho tỷ lệ thịt cao, chất lượng tốt, nông dân có lãi. Thời gian tới, khi đàn bò có thể đưa vào giết mổ công nghiệp, thành phố sẽ kết nối với doanh nghiệp mua bò thịt để giá tăng cao và lượng tiêu thụ ổn định…

Về hiệu quả của chăn nuôi bò thịt, bà Nguyễn Thị Xuân ở xã Minh Châu (huyện Ba Vì) chia sẻ: “Trước đây là hộ nghèo, từ năm 2008, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi nên gia đình tôi nuôi một con bò cái sinh sản, đến nay, tăng lên 10 con bò BBB. Nhờ nuôi bò thịt, gia đình tôi đã thoát nghèo”. Tương tự, ông Đỗ Văn Tiếp, hộ chăn nuôi bò BBB ở xã Thượng Cốc (huyện Phúc Thọ) với quy mô 10 con bò thịt, cho hay: "Sau một thời gian nuôi cho thấy, giống bò BBB dễ nuôi, đạt trọng lượng 150-160kg sau 5 tháng nuôi, giá bán 16-18 triệu đồng/con. Nhờ chăn nuôi bò thịt, mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 100 triệu đồng".

Nhằm phát triển số lượng, nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò thịt, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu (huyện Ba Vì) Nguyễn Danh Hưng cho rằng, các sở, ngành cần hỗ trợ địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng vùng chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học; tiếp tục giới thiệu một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định để người dân yên tâm nuôi bò.

Đối với người chăn nuôi, theo ông Đỗ Văn Xuất ở xã Tòng Bạt (huyện Ba Vì), để chăn nuôi bò thịt phát triển ổn định, các cấp, ngành cần thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi; hỗ trợ tuyển chọn đàn bò cái nền đủ tiêu chuẩn, tạo cơ sở cho việc cải tạo giống bò chất lượng cao…

Mới đây, trong buổi làm việc giữa Bộ NN&PTNT với thành phố Hà Nội về chính sách, mô hình phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt bò ở Việt Nam có thể tăng từ 330 nghìn tấn đến 1 triệu tấn. Hà Nội, Thái Bình là hai địa phương có triển vọng trở thành hạt nhân trong chăn nuôi đàn bò ở khu vực Đồng bằng sông Hồng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Hà Nội có thể tăng gấp đôi số lượng đàn bò hiện có; chú trọng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao và bò giống bảo đảm chất lượng cung ứng cho các địa phương lân cận. Qua đó, phát triển ngành kinh tế chăn nuôi bò có giá trị cao, tăng thu nhập cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.