Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản

Đỗ Minh| 19/06/2019 07:33

(HNM) - Xây dựng thương hiệu nông sản không còn là việc riêng của từng địa phương mà trở thành chiến lược phát triển chung của thành phố Hà Nội.

Xây dựng thương hiệu nông sản không còn là việc riêng của từng địa phương mà trở thành chiến lược phát triển chung của thành phố Hà Nội.


Bưởi tôm vàng là một trong những trái cây đặc sản của huyện Đan Phượng. Loại cây này được trồng trên đồng đất Đan Phượng từ năm 1995 và phát triển đến nay được gần 400ha. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết: Bưởi tôm vàng Đan Phượng quả nhỏ, vỏ vàng, cùi mỏng, múi to và đều, tép bưởi màu vàng nhạt, ráo nước, giòn, có vị ngọt dịu, không he, được người tiêu dùng ưa chuộng...

Năm 2012, sản phẩm bưởi tôm vàng Đan Phượng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Từ khi có thương hiệu, bưởi tôm vàng của huyện đã cung cấp cho nhiều siêu thị, giá bán cao và ổn định, trung bình từ 35.000 đến 60.000 đồng/quả.

Tương tự, sản phẩm cam Canh ở xã Kim An (huyện Thanh Oai) sau khi có nhãn hiệu, việc tiêu thụ cũng ổn định. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kim An Đỗ Hùng Cường chia sẻ: Từ khi được ngành Nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được công nhận nhãn hiệu tập thể, giá bán cam Canh Kim An luôn ổn định và không còn phải lo đầu ra. Hiện nay, trung bình mỗi héc ta trồng cam Canh ở địa phương này cho thu nhập 700 triệu đồng, tăng hơn 20% so với thời điểm chưa có nhãn hiệu...

Không chỉ bưởi tôm vàng Đan Phượng, cam Canh Kim An, mà nhiều sản phẩm nông sản của Hà Nội sau khi có nhãn hiệu, thương hiệu, giá bán cao gấp đôi so với sản phẩm thông thường và thị trường tiêu thụ dần đi vào ổn định. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Sau khi có nhãn hiệu, giá trị nông sản của Hà Nội tăng đáng kể, từ 20 đến 25%.

Đến nay, Hà Nội đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản, như: Nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai), gạo thơm Bối Khê (huyện Thanh Oai), gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây và vịt Vân Đình (huyện Ứng Hòa)…

Tuy vậy, việc phát triển, xây dựng nhãn hiệu cho nông sản của Hà Nội còn gặp một số khó khăn. Trong đó, hạn chế lớn nhất là điều kiện sản xuất trên địa bàn thành phố còn manh mún, phân tán, chưa tập trung quy mô lớn nên việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao, số lượng lớn. Chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng không thuận lợi, việc quản lý nhãn hiệu, duy trì và phát triển chưa được nhiều địa phương quan tâm.

Tháo gỡ những khó khăn trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, xác định việc xây dựng thương hiệu mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông sản, thành phố đang tập trung thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Với trách nhiệm của mình, Sở NN&PTNT đã và tiếp tục xây dựng, lồng ghép nhiều mô hình sản xuất an toàn, hữu cơ làm tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu nông sản tại các địa phương. Đồng thời, tiếp tục tham mưu thành phố quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, ưu tiên các nông sản có tiềm năng và căn cứ theo thế mạnh từng vùng miền, địa phương. Đáng chú ý, các sở, ngành thành phố đang tiến hành các thủ tục thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm măng tây (huyện Phú Xuyên), bưởi chua đầu tôm (huyện Quốc Oai), bưởi đỏ (huyện Mê Linh), chuối tiêu hồng (huyện Ba Vì), gà đồi Đông Yên và trứng gà Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), gà đồi Trần Phú (huyện Chương Mỹ)…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.