Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản: Quan trọng vai trò cầu nối

Ngọc Quỳnh| 24/06/2019 07:11

(HNM) - Thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam bị dư thừa nguồn cung khiến giá giảm mạnh, nông dân thua lỗ.

Hiện nay, nhiều địa phương đang tích cực triển khai xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và tránh tình trạng “được mùa - mất giá”. Tuy nhiên, trên thực tế, một số mặt hàng nông sản vẫn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Nhiều địa phương đang tích cực triển khai xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa


Là người sản xuất, ông Đặng Bá Thắng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lan (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) cho biết, mặc dù sản phẩm rau của hợp tác xã được trồng theo quy trình an toàn, nhưng đến nay, hợp tác xã cũng chỉ mới ký kết được hợp đồng với một số nhà hàng, khách sạn và bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện, với khối lượng tiêu thụ từ 1,5 đến 2 tạ/ngày. Khi vào chính vụ, sản lượng rau có thể đạt hơn 10 tấn/ngày, do vậy người dân phải bán ra chợ đầu mối để tránh bị thua lỗ…

Trong khi người sản xuất không thể tiêu thụ được nhiều sản phẩm thì doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong khâu thu mua nông sản. Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green Nguyễn Văn Chữ cho biết, doanh nghiệp không thể trực tiếp ký kết hợp đồng với từng người dân mà phải thông qua hợp tác xã để có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm.

Tuy nhiên, năng lực một số hợp tác xã còn yếu nên không cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ cho doanh nghiệp khi bao tiêu sản phẩm. Điều đó dẫn đến tình trạng số lượng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp “nhỏ giọt”, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và người sản xuất.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp, hiện cả nước đã xây dựng và phát triển 1.254 mô hình liên kết chuỗi với 1.452 sản phẩm, 3.172 địa điểm bán sản phẩm và đã kiểm soát theo chuỗi nông sản an toàn thực phẩm. So với sản lượng nông sản thực tế, con số trên còn khiêm tốn.

Thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng "giải cứu" nông sản (dưa hấu, củ cải, cải bắp...). Nguyên nhân chủ yếu do quy mô sản xuất nông nghiệp một số nơi còn nhỏ lẻ, manh mún, rất khó cho việc tổ chức ký hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm với quy mô lớn…

Để thúc đẩy việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản và giải bài toán tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, ông Trần Văn Tuế - hộ sản xuất rau an toàn ở xã Tự Lập (huyện Mê Linh) đề nghị, chính quyền địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo hướng kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn.

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm an toàn Tâm Thành cho rằng, chính quyền địa phương cần chủ động tổ chức lại các hợp tác xã, tổ hợp tác làm đầu mối kết nối với các doanh nghiệp, qua đó, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm...

Như vậy, rõ ràng vai trò cầu nối của chính quyền địa phương và các hợp tác xã trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản rất quan trọng. Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, các tỉnh, thành phố cần rà soát, ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, liên kết sản xuất.

Đồng thời, cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh từng địa phương gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Có được vùng sản xuất tập trung, hợp tác xã phát huy vai trò cầu nối, chắc chắn các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản sẽ ngày càng nhiều và mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản: Quan trọng vai trò cầu nối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.