Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhanh chóng khắc phục, giảm nguy cơ mất an toàn

Hoàng Minh| 16/07/2019 07:39

(HNM) - Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, mặt của các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, các tuyến đê cấp IV cũ đã cơ bản được cứng hóa mặt đê. Song, do nhiều tuyến đê được kết hợp làm đường giao thông, trong khi tình trạng xe chở quá tải chưa được kiểm soát chặt chẽ khiến mặt đê ở nhiều tuyến xuống cấp, không bảo đảm an toàn phòng, chống lũ.

Trước thực trạng này, nhiều biện pháp đã được thành phố triển khai nhằm nhanh chóng khắc phục sự xuống cấp, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.

Mặt đê hữu Đáy qua địa phận xã Minh Khai, huyện Hoài Đức xuống cấp.

Nhiều tuyến đê xuống cấp

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại tuyến đê hữu Hồng qua địa phận huyện Thường Tín cho thấy, có rất nhiều đoạn mặt đê bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, xuống cấp nhất phải kể đến các đoạn: K94 địa phận xã Chương Dương, từ K98 đến K100 địa phận 2 xã Thống Nhất, Vạn Điểm. Tại các đoạn này, mặt đê xuất hiện rất nhiều "ổ trâu", "ổ voi", vết nứt lớn trên mặt đường khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn, nhất là khi trời mưa to.

Tương tự, đê hữu Hồng qua địa phận huyện Phú Xuyên có chiều dài 16,6km từ thị trấn Phú Minh đến hết xã Quang Lãng, dù mặt đê toàn tuyến đã được bê tông hóa từ năm 2007, nhưng vẫn còn nhiều đoạn xuống cấp. Điển hình là mặt đê đoạn K105+450 thuộc địa phận xã Hồng Thái vỡ nát từ nhiều tháng nay. Tại đây, nhiều rãnh ngang, dọc chằng chịt mặt đê, các mảnh bê tông vỡ vênh lên khiến người tham gia giao thông phải dắt xe qua, hoặc "đánh võng" để tránh lọt bánh xe xuống rãnh. Hai bên lề đường cũng hình thành nhiều "ổ voi", "ổ trâu"...

Cùng với đê hữu Hồng, mặt đê đoạn từ K29+650 đến K31+290 thuộc tuyến đê tả Tích (qua địa phận xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) cũng bị vỡ, lún sâu, đọng nước mỗi khi mưa nên người dân đi lại vất vả, nhất là với người đi ô tô.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, nguyên nhân của sự xuống cấp này chủ yếu do cốt nền mặt đê làm bằng đất đắp từ nhiều năm nay. Mặt khác, do xe quá tải trọng lưu thông nhiều trên các tuyến đê, nhất là ở các địa bàn có các bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng như khu bãi sông Hồng, sông Đuống qua địa phận các quận, huyện: Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Thường Tín, Phú Xuyên, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, hay các khu vực tập trung nhiều làng nghề ven đê tả Đáy huyện Hoài Đức... Hoạt động này khiến nhiều đoạn đê bị hư hỏng, xuống cấp, giảm khả năng chống lũ cũng như ảnh hưởng đến an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên đê.

Trước thực trạng này, hằng năm, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội liên tục gửi công văn kiến nghị tới các cơ quan chức năng của thành phố, các quận, huyện có các tuyến đê chạy qua, đồng thời chỉ đạo các hạt quản lý đê tăng cường phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông - vận tải, cảnh sát giao thông ngăn chặn, xử lý tình trạng xe quá tải hoạt động trên các tuyến đê...

Tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp mặt đê

Để bảo đảm an toàn cho các tuyến đê trên địa bàn thành phố, nhiều năm qua, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện kiểm tra, đề xuất giải pháp khắc phục. Theo đó, giải pháp được ưu tiên thực hiện là tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp, gia cố mặt đê; tăng tải trọng thiết kế các tuyến đê; duy tu, sửa chữa nền, mặt đê một số đoạn xung yếu.

Hiện nay nhiều dự án cải tạo, nâng cấp, gia cố mặt đê đang và sẽ được triển khai nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống lũ và nhu cầu đi lại của nhân dân, như: Dự án nâng cấp đê, kè hữu Hồng (từ K26+580 đến K32+000 và từ K40+350 đến K47+980) qua địa phận huyện Đan Phượng và thị xã Sơn Tây; Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả Đáy kết hợp giao thông trên địa bàn huyện Hoài Đức với chiều dài 16,79km; Dự án cải tạo, sửa chữa đường đê sông Hồng trên địa bàn huyện Phú Xuyên với chiều dài gần 9km...

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, thời gian qua, huyện Phú Xuyên đã giao lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tăng cường tuần tra, xử lý xe quá tải hoạt động trên các tuyến đê, nhất là khu vực có bến đò, bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng dọc đê hữu Hồng. Ông Dư Anh Hào, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phú Xuyên cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn huyện xử lý được 9 trường hợp xe chở quá khổ, quá tải, phạt gần 100 triệu đồng, hiện cơ bản không còn xe quá tải đi trên đê.

Tương tự, tại huyện Thường Tín, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, xử lý triệt để xe quá tải trọng lưu thông trên đê hữu Hồng, UBND huyện còn chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện nghiêm việc kiểm tra, yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải, chủ bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng ký cam kết không chất tải quá khối lượng quy định của xe, không lưu thông phương tiện quá tải trọng trên đê. Ngoài ra, nhiều quận, huyện khác cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về đê điều, quy định về tải trọng cho phép của xe đi trên đê với người dân trên địa bàn, đặc biệt là các chủ bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng và đơn vị kinh doanh vận tải biết và thực hiện...

Hy vọng, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, tình trạng xuống cấp mặt đê trên địa bàn Hà Nội sớm được khắc phục, nhằm giảm nguy cơ mất an toàn cho người dân khi lưu thông, đồng thời tăng khả năng phòng, chống lũ của các tuyến đê trên địa bàn Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhanh chóng khắc phục, giảm nguy cơ mất an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.