Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng sách trắng về kinh tế tập thể và hợp tác xã

Nguyễn Mai| 20/07/2019 16:29

(HNMO) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng sách trắng về kinh tế tập thể và hợp tác xã.

Nhằm đánh giá kết quả, chỉ ra hạn chế; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong nông nghiệp, ngày 20-7, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 18-3-2002, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong nông nghiệp” (Nghị quyết số 13). 

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu của các hợp tác xã bên lề hội nghị.

Đưa cán bộ trẻ về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã nông nghiệp

Theo Bộ NN&PTNT, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13, Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng. Cả nước hiện có 39.354 tổ hợp tác, tăng 32.759 tổ hợp tác so với năm 2003; 13.856 hợp tác xã, tăng 5.769 hợp tác xã so với năm 2003. Bình quân mỗi tỉnh, thành phố có 220 hợp tác xã, trong đó, nhiều nhất là khu vực Đồng bằng sông Hồng, bình quân 362 hợp tác xã/tỉnh, thành phố; thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ, có 85 hợp tác xã/tỉnh, thành phố.

Qua phân loại, hiện có 55% hợp tác xã nông nghiệp xếp loại khá, tốt, tăng hơn 2 lần so với trước khi thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012. Đáng chú ý, 24,5% số hợp tác xã đã tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm; 520 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao và hàng nghìn hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ...

Với việc xác định rõ, hợp tác xã là một trong ba trụ cột tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Bộ NN&PTNT đã tham mưu các cấp, các ngành ban hành nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, trong đó, 61/63 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ hợp tác xã hơn 1.247 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương đã triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã nông nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn lực cho các hợp tác xã…

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thành lập mới khoảng 8.000 hợp tác xã; có khoảng 20.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả; có hơn 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và có tối thiểu 50% số hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, kinh tế hợp tác phát triển còn chưa tương xứng tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Hầu hết hợp tác xã nông nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, chưa tiếp cận thị trường, khó vay vốn trung hạn và dài hạn. Nhiều hợp tác xã hoạt động vẫn trong tình trạng "bình mới, rượu cũ"; mô hình hợp tác xã cũ còn nặng nề, trong khi hợp tác xã kiểu mới chưa đáp ứng yêu cầu.

Mặt khác, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của nền kinh tế; một số hợp tác xã nông nghiệp còn thụ động, phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ, chậm tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Ngoài ra, trình độ quản lý và chuyên môn của cán bộ hợp tác xã hạn chế; cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp đã qua đào tạo trình độ trung cấp trở lên còn thấp, hiện mới chiếm khoảng 46%... 

Tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn tín dụng

Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; các tỉnh: Sơn La, Nam Định, Hà Tĩnh và đại diện một số hợp tác xã điển hình... đã chia sẻ kết quả triển khai thực Nghị quyết số 13, những bài học kinh nghiệm; xác định rõ tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành, Chính phủ tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường thể chế cho kinh tế tập thể phát triển như: Thay đổi hình thức hỗ trợ các hợp tác xã từ cho không sang cho vay; từ hỗ trợ trực tiếp chuyển sang hỗ trợ về nhận thức, cách thức làm ăn để nâng cao sự chủ động, tích cực cho các hợp tác xã. Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất theo phương thức hàng hóa, tập trung, giá trị kinh tế cao. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong phát triển của kinh tế tập thể và hợp tác xã thời gian qua; đồng thời, yêu cầu các địa phương tập trung khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém.

“Thời gian đầu, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 còn chậm, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đến phát triển hợp tác xã nên một số chính sách hỗ trợ hợp tác xã chưa đi vào cuộc sống; trong khi công tác quản lý nhà nước về hợp tác xã còn chồng chéo, năng lực của một số hợp tác xã còn yếu. Những hạn chế này cần sớm được tháo gỡ kịp thời” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Khẳng định kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là nền tảng của kinh tế quốc dân, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã; nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012; hướng dẫn định mức và thủ tục thực hiện hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho hợp tác xã nông nghiệp; rà soát, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng…

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Bộ NN&PTNT có hình thức tuyên dương, khen thưởng các hợp tác xã tiêu biểu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại hội nghị để tổng hợp, bổ sung vào báo cáo tổng kết Nghị quyết số 13 của Trung ương; phối hợp với các bộ, ngành xây dựng sách trắng về kinh tế tập thể và hợp tác xã.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng sách trắng về kinh tế tập thể và hợp tác xã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.