Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm 2020, Hà Nội phấn đấu có trên 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Đỗ Minh| 17/09/2019 17:05

(HNMO) - Chiều 17-9, tại hội nghị giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, thành phố đã thông tin về việc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố cho biết, qua 10 năm triển khai Chương trình số 02-CTr/TU, Hà Nội đạt nhiều kết quả nổi bật: Phát triển nông nghiệp chuyển biến tích cực; sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản giai đoạn 2010-2018 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 3,34%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt trước 2 năm so với mục tiêu của Chương trình (250 triệu đồng/ha/năm), tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010. Đặc biệt, thành phố có 133 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ… 

Về xây dựng nông thôn mới, Hà Nội là một trong những điểm sáng của cả nước với 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 325 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 84,2% số xã toàn thành phố), vượt kế hoạch 2 năm so với mục tiêu của Chương trình. Hiện, thành phố đã đạt và cơ bản đạt bình quân 18,64 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 10 tiêu chí; thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm (tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010). 

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học phát biểu tại hội nghị giao ban báo chí.

Trước những câu hỏi của các cơ quan báo chí về kinh nghiệm của Hà Nội để đạt kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học cho biết, điểm nổi bật nhất của Hà Nội khi triển khai chương trình này là việc lựa chọn cách làm, giải pháp thực hiện. Đơn cử, việc thực hiện dồn điền đổi thửa, dù không phải là tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nhưng có vai trò quan trọng trong việc hoàn thành nhiều tiêu chí khác. Qua đó, Hà Nội trở thành điểm sáng của cả nước về dồn điền đổi thửa với diện tích 79.454,3ha, đạt 104,6% so với kế hoạch.

Đặc biệt, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được lan rộng trên toàn thành phố với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó, vai trò chủ thể của nhân dân rất rõ nét khi tham gia, chung sức xây dựng nông thôn mới. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ, trong 10 năm qua, thành phố đã vận động hàng nghìn tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình cùng xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí hơn 14.700 tỷ đồng (chiếm 19,3%); các quận đã hỗ trợ gần 600 tỷ đồng cho các huyện xây dựng nông thôn mới...

Với những kết quả tích cực, thành phố Hà Nội vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cùng nhiều Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích cao trong thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU.

Mục tiêu của Hà Nội từ nay đến năm 2020 là tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân đạt từ 3,5-4%/năm trở lên; phấn đấu tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đạt 25-35% trở lên. Về xây dựng nông thôn mới, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 có 85% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 5% so với mục tiêu của Chương trình đề ra); có từ 10 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập trung bình khu vực nông thôn đạt 50 triệu đồng/người/năm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2020, Hà Nội phấn đấu có trên 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.