Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới trong chế biến, sau thu hoạch

Ngọc Quỳnh| 27/09/2019 09:15

(HNMO) - Chiều 26-9, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo: "Phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước đã hình thành được hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với hơn 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Từ năm 2018 đến nay, có 30 dự án đầu tư quy mô lớn vào chế biến sản phẩm nông nghiệp đã hoạt động và triển khai trên cả nước với tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng.

Tại hội thảo, bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được, nhiều ý kiến cũng chỉ ra những hạn chế của chế biến nông sản, như: Chưa đáp ứng được yêu cầu đầu ra cho khâu sản xuất nguyên liệu, gia tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến còn thấp; dây chuyền thiết bị cũ, công nghệ còn lạc hậu, sản phẩm đơn giản, tiêu hao nhiều nguyên liệu và năng lượng… 

Tiếp thu các ý kiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, tương lai nông sản của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào công nghệ chế biến và sau thu hoạch. Để đạt mục tiêu đến năm 2030, có hơn 50% số cơ sở chế biến nông sản đạt trình độ công nghệ tiên tiến và thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN, các ngành chức năng cần khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Cùng với đó, tiếp tục bổ sung cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, nhất là về vốn, mặt bằng, lao động, tìm kiếm thị trường...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới trong chế biến, sau thu hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.