Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển chăn nuôi bò sữa: Vẫn chưa tương xứng tiềm năng

Ngọc Quỳnh| 02/10/2019 07:17

(HNM) - Chăn nuôi bò sữa có tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành chăn nuôi. Tiếc rằng, việc phát triển vật nuôi này trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, do quy mô nhỏ lẻ, giá bán sữa lên xuống bấp bênh...

Hiện tại, hầu hết các hộ chăn nuôi bò sữa ở Hà Nội gặp khó khăn và thu nhập rất thấp. Ông Đặng Thế Truyền, hộ chăn nuôi bò sữa ở xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) cho biết: Trước đây, gia đình nuôi 15 con bò sữa, nhưng do giá sữa không ổn định, mặt khác do thiếu vốn đầu tư cho khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sữa, nên hiện chỉ nuôi 8 con để lấy công làm lãi.

Về những khó khăn của người nuôi bò sữa, ông Trần Xuân Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng lý giải do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, thủ công nên năng suất, chất lượng sản phẩm hạn chế. Giá vật tư đầu vào tăng, trong khi giá thu mua sữa nguyên liệu giảm nên người chăn nuôi không có lãi và chuyển sang ngành nghề khác. So với giai đoạn đỉnh điểm, đàn bò sữa của xã Phù Đổng lên tới 2.000 con, nhưng hiện giảm chỉ còn 1.560 con.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Hoàng Kim Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho hay, hiện tổng đàn bò sữa toàn thành phố khoảng 14.000 con, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2018. Ở nhiều nơi, các hộ nuôi bò sữa đã chuyển sang làm việc khác do gặp bất lợi trong khâu tiêu thụ sản phẩm. "Các doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng thu mua sản phẩm sữa bò của nông dân với mức giá từ 9.000 đến 14.000 đồng/kg, tùy chất lượng. Thế nhưng, việc xác định chất lượng sản phẩm sữa lại do bên mua hoàn toàn quyết định, do đó người chăn nuôi ở thế bị động và thiệt thòi", ông Hoàng Kim Vũ thông tin.

Từ thực tiễn phát triển chăn nuôi bò sữa, ông Nguyễn Mạnh Hà ở xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) kiến nghị: Để ổn định phát triển chăn nuôi và chất lượng sản phẩm sữa bò, các cấp, các ngành thành phố cần quy hoạch phát triển ổn định vùng trồng cỏ làm thức ăn cho vật nuôi; có chính sách hỗ trợ người dân vốn đầu tư khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; cùng với đó, đứng ra làm khâu trung gian hỗ trợ người dân trong việc ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để bảo đảm quyền lợi giữa các bên.

Để giúp người dân khắc phục khó khăn, duy trì phát triển chăn nuôi bò sữa, mang lại thu nhập cao hơn, trước mắt, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang phối hợp với các huyện có chăn nuôi bò sữa tổ chức tập huấn kiến thức cho người chăn nuôi, như: Sử dụng đúng chủng loại, liều lượng thức ăn, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, tiêm phòng cho vật nuôi. Về lâu dài, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng khẳng định: Sở sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm sữa gắn kết từ người chăn nuôi đến trạm thu gom và nhà máy chế biến sản xuất sữa.

Để làm được việc này, chính quyền địa phương nơi đang phát triển chăn nuôi bò sữa cần tăng cường kiểm tra việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; việc sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu của các cơ quan thu mua sữa nhằm gắn trách nhiệm và quyền lợi giữa các bên trong việc tiêu thụ sữa. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động người chăn nuôi phát triển đàn bò sữa theo vùng, xã trọng điểm nhằm hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển chăn nuôi bò sữa: Vẫn chưa tương xứng tiềm năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.