Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vai trò hạt nhân xây dựng nông thôn mới

Đỗ Minh| 18/10/2019 08:25

(HNM) - Với nhiều hoạt động nổi bật như phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, hay nông dân thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp… Nhờ đó, nông dân Hà Nội đã khẳng định vai trò hạt nhân trong xây dựng nông thôn mới Thủ đô.

Liên kết phát triển kinh tế

Nói về mô hình trồng lúa hữu cơ đầu tiên của nông dân Hà Nội tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ Nguyễn Đăng Hùng cho biết, từ một vài hộ trồng lúa hữu cơ nhỏ lẻ trong xã, Hội Nông dân huyện đã đứng ra vận động nông dân liên kết thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú để mở rộng mô hình, đồng thời tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Từ vụ xuân năm 2019, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú và Công ty Green Path ký kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa hữu cơ trên diện tích 3ha, vụ mùa tăng lên 45ha trồng theo quy trình của Mỹ. Ngoài cây lúa, vụ đông 2019 còn triển khai mô hình trồng luân canh đậu tương đen, khoai tây hữu cơ.

Dự kiến, trong năm 2020, công ty cùng hợp tác xã tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ và hướng tới xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Cùng với đó, Hội Nông dân huyện Chương Mỹ đã xây dựng được 79 mô hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất, trong đó có 21 hợp tác xã, 58 tổ hợp tác…

Sơ chế, đóng gói rau mầm tại Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín). Ảnh: Bá Hoạt

Tương tự, Hội Nông dân huyện Thường Tín đã tích cực đồng hành cùng nông dân trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thường Tín Hoàng Văn Nhiên chia sẻ: "Hội Nông dân huyện đã tuyên truyền, vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng 64 mô hình kinh tế hộ, 23 mô hình kinh tế tập thể, 23 câu lạc bộ kinh tế mang lại giá trị thu nhập cao cho nông dân".

Đánh giá về hoạt động của Hội Nông dân các cấp, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Lê Trọng Khuê cho biết, phát huy vai trò hạt nhân của chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, các cấp Hội đã triển khai sâu rộng nhiều hoạt động, phong trào nhằm phát triển kinh tế địa phương, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Cụ thể, trong 10 năm qua, Hội Nông dân các cấp đã xây dựng được 1.523 mô hình kinh tế tập thể, 783 câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, câu lạc bộ nông dân phát triển kinh tế; hỗ trợ nông dân xây dựng hơn 1.400 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và GPS... Từ những mô hình này, đời sống nông dân, bộ mặt kinh tế nông thôn đã có những bước chuyển biến tích cực.

Chung sức xây dựng quê hương

Cùng với thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, những năm qua các cấp Hội Nông dân đã đồng hành cùng chính quyền địa phương trong việc xây dựng đường làng ngõ xóm, tạo diện mạo mới cho nông thôn Hà Nội. Không chỉ tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, giám sát việc thực hiện quy hoạch tại địa phương, cán bộ, hội viên nông dân Hà Nội còn gắn việc phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường. 

Hằng năm, Hội Nông dân chỉ đạo 100% cơ sở xây dựng mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, các chi hội tham gia đảm nhận những đoạn đường tự quản... mang lại hiệu quả thực tế rõ nét. Minh chứng cho điều đó, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ Nguyễn Đăng Hùng cho hay, những năm gần đây, Hội Nông dân huyện đã vận động xây dựng được 58 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường và 4,1km đoạn đường nở hoa.

Đánh giá về vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội khẳng định: "Những năm qua, các phong trào, hoạt động của nông dân Hà Nội đã giúp các địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới như tiêu chí thu nhập, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ sở hạ tầng... Nhờ đó, đến nay toàn thành phố đã có 6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 325/386 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới".

Để tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Lê Trọng Khuê cho biết, thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân phát huy vai trò chủ thể, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”. Đặc biệt, tích cực tham gia nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, vận động hội viên thi đua phấn đấu xây dựng các xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định của Trung ương và thành phố. 

Cùng với đó là việc vận động nông dân đóng góp công sức và hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sau dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tạo vùng sản xuất chuyên canh, tập trung. Đồng thời xây dựng nhãn hiệu nông sản thực phẩm, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, để nông dân yên tâm sản xuất, kinh doanh, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn mới.

Từ năm 2010 đến nay, các cấp Hội Nông dân đã vận động cán bộ, hội viên nông dân đóng góp hơn 3,5 triệu ngày công lao động, đào đắp gần 700 ngàn mét khối kênh mương nội đồng, sửa chữa 1.015km đường giao thông nội đồng và đường liên thôn, làm mới và sửa chữa 638 cầu, cống, đóng góp gần 7.000 tỷ đồng, hiến trên 415.000m2 đất xây dựng nông thôn mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vai trò hạt nhân xây dựng nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.