Theo dõi Báo Hànộimới trên

Amazon và Microsoft kêu gọi xây dựng chế tài quản lý công nghệ nhận diện khuôn mặt

Theo Hoàng Linh| 19/02/2019 09:22

(HNMO) - Sau khi đối mặt với hàng loạt chỉ trích liên quan tới hệ thống

Việc lạm dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể dẫn tới nhiều hệ quả xấu trong xã hội, đặc biệt là vi phạm quyền riêng tư cá nhân.


Trong thông báo đăng trên blog chính thức của mình, đại gia bán lẻ hàng đầu thế giới đã đưa ra những đề xuất cơ bản liên quan tới công nghệ nhận diện khuôn mặt, với hy vọng các nhà làm luật của Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới sẽ xem xét khi triển khai các đạo luật.

Cụ thể, Amazon cho rằng việc sử dụng các công nghệ nhận diện khuôn mặt cần được quản lý bằng luật pháp, trong đó có các điều khoản bảo vệ quyền công dân.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là nhóm chấp pháp khi sử dụng công nghệ này cũng cần phải có sự giám sát của con người, thay vì ỷ lại hoàn toàn vào máy móc tự động, đồng thời thường xuyên công bố các báo cáo liên quan.

Trong các trường hợp này, những công nghệ triển khai phải đạt độ chính xác nhận diện lên tới 99%. Theo Amazon, những kết quả nhận diện không nên được sử dụng làm bằng chứng trong các cuộc điều tra.

Quan trọng hơn cả là đề xuất những khu vực có trang bị hệ thống nhận diện khuôn mặt cần được cảnh báo rõ ràng cho người dân đi ngang qua, gần tương tự như các khu vực có lắp máy quay giám sát hiện nay.

Theo Phó Chủ tịch phụ trách chính sách công toàn cầu của Amazon Web Services - Michael Punke, việc có các chế tài cụ thể để quản lý công nghệ nhận diện khuôn mặt sẽ tạo ra môi trường lý tưởng để ứng dụng công nghệ này và đem lại nhiều ích lợi cho con người; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu tiếp tục phát triển những “món mới” có liên quan.

Động thái lần này của Amazon tương đồng với những nỗ lực vừa qua của Microsoft trong việc đối phó những hiệu ứng tiêu cực của công nghệ nhận diện khuôn mặt. Hồi cuối năm 2018, Chủ tịch Brad Smith của hãng phần mềm Mỹ đã kêu gọi các chính phủ xây dựng chế tài quản lý cụ thể, để tránh việc các cá nhân hay tổ chức lạm dụng công nghệ này cho những mục đích không phù hợp, dẫn tới những hành vi vi phạm quyền riêng tư cá nhân.

Trước đây, Google đã từng phải dừng việc nghiên cứu công nghệ nhận diện khuôn mặt phục vụ mục đích quân sự do hứng nhiều chỉ trích.


Thực tế, việc kinh doanh công nghệ nhận diện khuôn mặt trong thời gian qua cũng khiến các doanh nghiệp gặp nhiều rắc rối. Ngay với Amazon, nhiều nhân viên và các cổ đông của tập đoàn này cũng đã yêu cầu ngừng bán bộ công cụ Rekognition, với lo ngại về tính thiếu chính xác.

Mới đây, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra các bằng chứng cho thấy Rekognition đã nhận diện nhầm các nhà làm luật thành tội phạm trong thử nghiệm thực tế.

Hồi tháng trước, một báo cáo của Học viện công nghệ Massachussetts (MIT) cũng cho thấy, các thuật toán của Rekognition gặp khó trong việc nhận diện giới tính và chủng tộc. Trước các chỉ trích này, Amazon cho rằng những thử nghiệm đã triển khai Rekognition “chưa đúng cách”.

Trong năm 2018, Google cũng gặp phải nhiều rắc rối với dự án Maven, vốn được ký kết hợp tác với Lầu năm góc. Hàng loạt động thái phản đối, thậm chí bỏ việc từ phía nhân viên của hãng công nghệ hàng đầu thế giới này đã dẫn tới việc hợp đồng nghiên cứu nói trên không còn tiếp tục được gia hạn. Maven là dự án sử dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ mục đích quân sự, cho phép đánh giá và nhận diện con người qua các hình ảnh thu về từ thiết bị bay không người lái (drone).  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Amazon và Microsoft kêu gọi xây dựng chế tài quản lý công nghệ nhận diện khuôn mặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.