Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên để thị trường quyết định

Việt Nga| 22/04/2019 07:13

(HNM) - Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2019, một trong những nhiệm vụ được Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra là công bố lộ trình tắt sóng công nghệ cũ (2G, 3G) để giải phóng băng tần cho công nghệ mới (4G, 5G).


Hiện một số quốc gia trên thế giới đã tắt sóng mạng 2G, thậm chí cả mạng 3G để giải phóng băng tần cho phát triển công nghệ mới hơn. Ví như, Nhật Bản tắt sóng 2G từ năm 2011; Đài Loan (Trung Quốc), Singapore tắt 2G vào năm 2017; Australia tắt 2G tháng 4-2018; Thái Lan sẽ tắt 2G vào tháng 10-2019; Mỹ dự kiến sẽ xóa bỏ mạng 2G vào năm 2020. Tuy nhiên, một số hãng viễn thông khu vực châu Âu, trong đó có Telenor (Na Uy) thì lên kế hoạch tắt 3G trước vào năm 2020 và đến năm 2025 sẽ tắt 2G...

Sở dĩ các nhà mạng trên thế giới tắt sóng mạng 2G hoặc 3G là vì 2G chỉ đơn thuần phục vụ thoại, 3G - dành cho cả thoại và data (dữ liệu), trong khi đó công nghệ 4G đã đáp ứng rất tốt nhu cầu cả về data lẫn thoại (VoiceLTE). Đặc biệt, nhu cầu sử dụng thoại, tin nhắn ngày càng giảm.

Theo dự báo của Hiệp hội Thông tin di động toàn cầu - GSMA, lượng thuê bao 2G trên toàn cầu sẽ giảm từ 40% năm 2017 xuống còn 6% vào năm 2025; lượng thiết bị đầu cuối 2G bán ra trên thị trường thế giới cũng giảm nhanh, dự kiến còn 15,1% vào năm 2023. Tương tự, lượng thuê bao 3G cũng sẽ giảm còn 21% vào năm 2025.

Còn tại thị trường trong nước, theo số liệu của Bộ TT-TT, năm 2014 có khoảng 107 triệu thuê bao 2G, thì đến tháng 5-2018 giảm còn 72 triệu; tương tự, lượng thuê bao 3G cũng giảm nhanh sau khi mạng 4G xuất hiện và hiện chỉ còn 22%.

Thêm nữa, dịch vụ 4G đã được triển khai tới khách hàng hơn 2 năm nay, song băng tần thực sự cho 4G lại chưa có khi nhà mạng phải triển khai trên băng tần 1800MHz - vốn dành cho 2G, nên lượng băng thông cho 4G hạn hẹp, dẫn tới tốc độ không được như mong đợi. Do vậy, việc lên kế hoạch cho tắt sóng các công nghệ cũ được đặt ra nhằm hoạch định chính sách để người dùng, doanh nghiệp có kế hoạch dài hạn.

Theo ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, để tắt sóng 2G hoặc công nghệ nào khác, thì cần hội tụ 3 yếu tố.

Thứ nhất, cơ quan quản lý nhà nước với vai trò làm quy hoạch cần có chiến lược, có tính dài hạn trong quy hoạch để đủ tần số làm các công nghệ khác nhau.

Thứ hai, các doanh nghiệp, vì đang vận hành mạng di động với nhiều lớp (2G, 3G, 4G, sắp tới là 5G) gây tốn kém chi phí, nên dựa trên nhu cầu khách hàng, nhà mạng cũng cần tự đánh giá với công nghệ cũ, nếu ít thuê bao có thể tắt sẽ tiết kiệm 1/3 chi phí vận hành mạng.

Thứ ba, với khách hàng, nếu vẫn còn nhiều thuê bao 2G thì khó tắt, vì vậy đặt ra vấn đề nhà mạng (hoặc do Nhà nước chủ trì) có thỏa thuận để hỗ trợ máy đầu cuối thì mới tính được tắt sóng công nghệ này.

Theo MobiFone, nhà mạng này có hơn 30% lượng thuê bao 2G, do vậy nếu tắt sóng công nghệ này cần lộ trình. Không nên tắt sóng 3G vì công nghệ này đang đáp ứng tốt cho khách hàng cả về data lẫn thoại. Vì thế, nên để thị trường điều tiết, nếu thuê bao ít, nhà mạng tự phải điều chỉnh. Cơ quan quản lý chuyên ngành nên xây dựng lộ trình dài hạn để khuyến nghị cho khách hàng và nhà mạng.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Giám đốc VinaPhone (thuộc Tập đoàn VNPT) cho rằng, nhiều nước phát triển vẫn giữ mạng 2G; trong khi đó vẫn còn lượng lớn khách hàng vẫn có nhu cầu dùng 2G, nên nếu đầu tư mạnh cho 3G, 4G sẽ gây lãng phí.

Bộ TT-TT đã giao Cục Viễn thông lấy ý kiến các doanh nghiệp về việc tắt sóng công nghệ cũ và sẽ công bố lộ trình trong năm nay. Như vậy có thể thấy, cơ quan quản lý sẽ đề ra lộ trình trong những năm tới để các nhà mạng và khách hàng có thời gian chuẩn bị; đồng thời, việc công bố lộ trình này phải được dựa trên nhu cầu của khách hàng và thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên để thị trường quyết định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.