Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường ô tô và công nghiệp hỗ trợ

T. Minh| 13/06/2019 11:43

(HNMO) - Ngày 13-6, tại Hà Nội, trong khuôn khổ triển lãm Vietnam AutoExpo 2019 đã diễn ra hội thảo quốc tế “Tiềm năng, nhu cầu phát triển ngành công nghiệp ô tô, xe máy tại Việt Nam và cơ hội cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ”.

Quang cảnh hội thảo.


Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, các doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế về ngành công nghiệp ô tô, xe máy.

Các tham luận tại hội thảo nhìn chung đều có đánh giá tích cực cho sự phát triển ngành công nghiệp ô tô, xe máy ở Việt Nam trong tương lai.

Ông Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội kỹ sư ô tô Việt Nam nhận định, ngành ô tô Việt Nam trong tương lai sẽ phát triển vững chắc, bởi kinh tế Việt Nam đang có đà tăng trưởng tốt. Một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam bắt đầu tham gia thị trường, đáp ứng nhu cầu nội địa.

“Hiện nay, Việt Nam có khoảng 3 triệu xe ô tô, tương đương với trên 20 xe/nghìn người dân, tỷ lệ rất nhỏ. Đối với thị trường 90 triệu dân thì còn nhiều cơ hội lớn cho ngành công nghiệp ô tô phát triển”, ông Đỗ Hữu Hào cho biết thêm.  

Bà Phạm Thu Trang, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong vài năm trở lại đây. Tốc độ tăng trưởng trung bình xe sản xuất, lắp ráp trong nước giai đoạn 2015-2018 đạt 10%.  

Tính đến hết năm 2018, cả nước có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô; trong đó, có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô... Nhiều hãng lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước (Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, Honda, GM, Chevrolet, Ford, Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Isuzu, Mercedes-Benz, Hino) đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. Ngành công nghiệp ô tô đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư, thuế (xuất nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt), tín dụng, tiền thuê đất... nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển. Ngành công nghiệp hỗ trợ cũng là lĩnh vực được Chính phủ chú trọng, ưu tiên phát triển. 

Dự báo đến năm 2030, Việt Nam có từ 466 nghìn đến 863 nghìn xe ô tô mới gia nhập thị trường; đến năm 2020, số lượng xe máy cũng sẽ đạt khoảng 36 triệu chiếc. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện cũng là những yếu tố thuận lợi giúp các doanh nghiệp ô tô, xe máy và công nghiệp phụ trợ phát triển. Với những yếu tố trên, ngành công nghiệp, thị trường ô tô, xe máy và công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường ô tô và công nghiệp hỗ trợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.