Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tài xế ô tô "điên" trên đường Láng khai uống 5-7 chén rượu

Bảo Hân| 23/04/2019 13:37

(HNMO) - Chiều 23-4, lãnh đạo Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết đang hoàn thiện hồ sở xử lý đối với tài xế điều khiển ô tô 29A-784.09 gây tai nạn liên hoàn, khiến một nữ công nhân vệ sinh môi trường tử vong.

Tài xế Đỗ Xuân Tuyên tại cơ quan công an.


Theo thông tin ban đầu, tài xế Đỗ Xuân Tuyên (SN 1970, ở phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Hyundai loại 7 chỗ màu đen gây tai nạn đã thừa nhận, gia đình có đám cưới cháu gái trong phố Vĩnh Hồ. Tài xế đã uống 5-7 chén rượu nên khi điều khiển xe đã không làm chủ được tốc độ. Do không chú ý quan sát, tài xế đã gây ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường Láng.


Kết quả kiểm tra đo nồng độ cồn tại cơ quan công an đối với Đỗ Xuân Tuyên cho thấy, tài xế này đã vi phạm trên 1,077 miligam/lít khí thở.

Đến thời điểm hiện tại, Công an quận Đống Đa đã tiến hành tạm giữ hình sự đối với tài xế Đỗ Xuân Tuyên để hoàn thiện, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định.

Như đã đưa tin, khoảng 23h30 ngày 22-4, Đỗ Xuân Tuyên điều khiển ô tô 29A-784.09 lưu thông trên đường Vĩnh Hồ đã va quệt nhẹ với 5 xe mô tô. Sau đó, tài xế tiếp tục điều khiển xe bỏ chạy ra đường Tây Sơn, rẽ vào đường Láng. Khi đến trước cửa số nhà 220 đường Láng, xe ô tô đã đâm vào chị Lê Thị Thu Hà, nữ nhân viên vệ sinh môi trường khiến chị tử vong tại chỗ.

Ngay sau khi gây ra tai nạn, Công an quận Đống Đa đã tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Đỗ Xuân Tuyên và áp giải về trụ sở Công an quận Đống Đa để tạm giữ.

Cơ quan công an đã xác định các bị hại liên quan đến vụ ô tô gây tai nạn liên hoàn, ngoài nạn nhân đã tử vong, còn có anh Lê Thành Đạt (SN 1997) - người điều khiển xe máy 18L1-255.83 đang được cấp cứu tại bệnh viện và chị Dương Thị Ánh Ngọc (SN 1992) may mắn không bị thương tích nhưng ô tô Mercedes màu trắng BKS 30F-198.31 do chị điều khiển bị hư hỏng. 

Phân tích về hành vi điều khiển ô tô trong trạng thái say rượu của tài xế gây tai nạn, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm hành vi điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Người say rượu, bia có thể bị giảm sút hoặc mất hoàn toàn năng lực nhận thức và điều khiển hành vi trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, người say do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác được cho là đã tự đặt mình vào tình trạng say. Họ đã tự tước bỏ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Vì vậy, họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội trong trường hợp say rượu do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác.

Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

"Pháp luật hình sự cũng không coi việc “say rượu, bia hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự" - luật sư Diệp Năng Bình phân tích.

Khoản a, Điều 260 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27-11-2015 quy định như sau:

Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài xế ô tô "điên" trên đường Láng khai uống 5-7 chén rượu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.