Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về đất Tổ nghe di sản hát xoan

Hoàng Lân| 11/04/2019 19:19

(HNMO) - Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019 đang đến gần. Những ngày này, khắp các phường xoan trên đất Phú Thọ đều đã rộn ràng khăn áo, tổ chức những buổi diễn phục vụ du khách gần xa.

Các thế hệ nghệ nhân, từ cao niên cho đến trẻ nhỏ, cùng ngân nga những câu hát cổ, nhịp nhàng, uyển chuyển trong từng điệu xoan.

Sức sống của di sản

Đến Phú Thọ vào thời điểm ngày Giỗ Tổ cận kề, có thể cảm nhận rất rõ không khí nô nức của người dân địa phương chuẩn bị cho ngày đại lễ. Miếu Lãi Lèn, điểm được coi là phát tích hát xoan từ thời Vua Hùng, rộn ràng hơn hẳn ngày thường. Hiện nay, miếu Lãi Lèn trở thành địa điểm biểu diễn thường xuyên của ba phường xoan cổ xã Kim Đức (gồm Kim Đới, Phủ Đức, Thét) và cũng là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong “bản đồ di sản” của tỉnh Phú Thọ.

Biểu diễn hát xoan ở miếu Lãi Lèn.


Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Xuân Hội, trùm phường xoan Kim Đức cho biết, các phường xoan cổ ở Kim Đức có nhiệm vụ phục vụ du khách ngay tại đình, miếu để giới thiệu di sản hát xoan được lưu truyền từ nhiều thế hệ. Chuẩn bị cho ngày Giỗ Tổ - Lễ hội Đền Hùng 2019, phường xoan xã Kim Đức đã bắt đầu phục vụ du khách gần một tháng nay tại miếu Lãi Lèn. Các nghệ nhân chia làm hai ca biểu diễn trong ngày, mỗi ca có từ 12-16 người thường xuyên túc trực.

“Hát xoan trên sân khấu cho phép nghệ sĩ cách điệu, nhưng tại miếu, cửa đình, cửa đền thì hát xoan phải giữ nguyên gốc. Di sản hát xoan có 31 bài cổ, đều được truyền từ đời này qua đời khác. Phường xoan chúng tôi có trách nhiệm biểu diễn nguyên bản những bài xoan cổ này, từ giai điệu, lời ca cho đến các bước chuyển động”, nghệ nhân Nguyễn Xuân Hội bày tỏ.

Năm nay đã 70 tuổi, nghệ nhân Nguyễn Xuân Hội vẫn đắm đuối với việc truyền dạy hát xoan cho các thế hệ sau. Ông cho biết, gia đình ông bốn đời hát xoan, đời nào cũng cố gắng giữ gìn các bài xoan gốc. Ông được cha mình dạy hát xoan từ nhỏ, đến đời ông cũng đã có 30 năm hoạt động trong việc gìn giữ di sản hát xoan. Hiện nay, con trai và các cháu nội của nghệ nhân Nguyễn Xuân Hội tiếp tục được truyền dạy hát xoan và tham gia biểu diễn.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Xuân Hội, trùm phường xoan xã Kim Đức.


Đảm nhiệm vai trò trùm phường xoan, nghệ nhân Nguyễn Xuân Hội mở các lớp dạy hát xoan miễn phí tại nhà. Các nghệ nhân cao niên trong xã hằng ngày tập trung tại nhà “ông trùm” để truyền dạy các bài xoan cổ cho lớp trẻ. Theo lời nghệ nhân Nguyễn Xuân Hội, hiện nay, học sinh từ cấp tiểu học đến THCS đều được dạy hát xoan không chỉ tại các phường xoan, mà còn ngay trong nhà trường. Nhờ vậy, hát xoan trở thành nét đẹp trong sinh hoạt hằng ngày của người dân xã Kim Đức.

“Khách quốc tế đến với chúng tôi nhiều hơn. Họ rất thích nghe chúng tôi hát, có đoàn đến rồi còn quay trở lại. Đó là động lực để những nghệ nhân như chúng tôi thêm niềm tin và tình yêu, tiếp tục truyền dạy hát xoan cho thế hệ sau”, ông Hội nói.

Giữ gìn di sản của ông cha


Ngày 24-11-2011, UNESCO đã chính thức công nhận hát xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Chỉ 6 năm sau, di sản hát xoan được UNESCO đưa ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp và công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ một di sản nằm trong diện “bảo vệ khẩn cấp” trở thành di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, ấy là cả nỗ lực của cộng đồng địa phương để khôi phục khả năng tồn tại của hát xoan.


Nguyễn Thị Thái, học sinh lớp 6 Trường THCS Kim Đức, trao đổi với phóng viên.


Nguyễn Thị Thái, 12 tuổi, học sinh lớp 6 Trường THCS Kim Đức, hằng tuần vẫn theo bà là nghệ nhân Nguyễn Thị Sen tham gia các buổi diễn ở miếu Lãi Lèn. Thái nói rằng, em được bà truyền dạy hát xoan từ khi học lớp 3, đến nay đã có thể tự tin đứng cùng các nghệ nhân cao niên biểu diễn những bài xoan cổ.

“Hát xoan khó nhất là thuộc lời cổ và kết hợp với động tác múa, xoay người. Xoay sao để lưng luôn quay ra cửa chứ không hướng vào ban thờ là kỹ năng phải tập rất nhiều”, Thái cho biết.

Phường xoan Kim Đức hiện nay có số lượng học sinh tham gia sinh hoạt câu lạc bộ khá đông. Nhiều gia đình có từ 2-3 thế hệ say mê học hát xoan. Lớp trẻ hát xoan dù ở độ tuổi nào cũng thể hiện đúng điệu thức của những bài xoan cổ.

Hát xoan là một nghi lễ hát thờ cúng, bày tỏ lòng biết ơn của người dân với các vị Vua Hùng. Người hát xoan phải luôn đặt mình trong tâm thế trang trọng, nghiêm túc.


Cụ Lê Thị Huệ, 80 tuổi, người vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, lý giải: Hát xoan vốn là nghi lễ hát thờ cúng, bày tỏ lòng biết ơn của người dân với các vị Vua Hùng. Người hát xoan phải luôn đặt mình trong tâm thế trang trọng, nghiêm túc, bởi thế, nhiều gia đình hiện nay luôn hướng con trẻ học hát xoan, một phần để giữ gìn di sản của ông cha, nhưng phần khác, mong con cái học những điều hay, rèn những đức tính tốt đẹp.

Những ngày này, miếu Lãi Lèn đông như hội. Từng nhóm khách thập phương, khách nước ngoài tìm đến miếu và đình trong xã để nghe hát xoan cổ. Với các nghệ nhân phường xoan cổ Kim Đức, được biểu diễn cho du khách không chỉ là niềm vui mà còn là trách nhiệm với di sản hát xoan ở đất Tổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về đất Tổ nghe di sản hát xoan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.